Các đồng chí lãnh đạo tham dự hội nghị
Đồng chí Phạm Văn Tân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh; đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới của 80 xã trên địa bàn tỉnh đến tham dự.
Quang cảnh hội nghị
Qua 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, công tác xây dựng NTM được triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật, làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều xã, nhiều vùng nông thôn ở tỉnh Tây Ninh đã "thay da đổi thịt". Cụ thể, các cấp trong tỉnh đã đầu tư trên 2.200 km đường giao thông nông thôn (bao gồm các công trình vận động doanh nghiệp và nhân dân thực hiện cứng hóa các tuyến đường ngõ xóm); 278 trường học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất; cải tạo, nâng cấp 15 chợ nông thôn. Hệ thống chợ nông thôn cơ bản đảm bảo quy định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của nhân dân.
Đến nay, có 39 xã đạt tiêu chí giao thông (chiếm tỷ lệ 48,8%), 75 xã đạt tiêu chí thủy lợi (chiếm tỷ lệ 93,8%), 48 xã đạt tiêu chí điện (chiếm tỷ lệ 60%), 39 xã đạt tiêu chí trường học (chiếm tỷ lệ 48,8%), 39 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (chiếm tỷ lệ 48,8%), 66 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (chiếm tỷ lệ 82,5%), 74 xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông (chiếm tỷ lệ 92,5%), 67 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư (chiếm tỷ lệ 83,8%). So với những năm đầu thực hiện Chương trình, số xã đạt chuẩn tăng hàng năm, nâng tỷ lệ xã đạt từng tiêu chí, nhất là hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư khá lớn làm nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội của các xã.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Đức Trong nêu những kết quả nổi bật trong 10 năm xây dựng NTM
Tỉnh đã chuyển đổi mạnh một số cây trồng kém hiệu quả (như lúa, mía, cao su,..) sang trồng các loại cây ăn trái (như bưởi, dứa, xoài, nhãn, sầu riêng) với quy mô tập trung, có giá trị kinh tế cao, có trên 05% nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Việc chuyển đổi nhanh diện tích khoai mì, cây ăn trái và rau các loại cũng tăng so với năm 2016 và tạo động lực tăng trưởng sản lượng. Các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp đã được tỉnh triển khai thực hiện. Thời gian qua, toàn tỉnh đã thu hút 57 dự án đầu tư vào nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với tổng vốn đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thu hút 24 dự án nông nghiệp gắn phát triển chuỗi giá trị, nông nghiệp công nghệ cao với tổng vốn đăng ký trên 1.652 tỷ đồng.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo, giai đoạn 2011 - 2015 toàn tỉnh đã giảm được 7,35% (tương ứng giảm 19.195 hộ nghèo và hộ cận nghèo). Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh còn 4.354 hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 1,49%. Năm 2016, áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 12.584 hộ nghèo và hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,32% so với tổng số hộ gia đình. Qua gần 4 năm thực hiện với các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương, đến nay, toàn tỉnh giảm được 1,78% (tương ứng giảm 4.975 hộ nghèo, hộ cận nghèo; bình quân mỗi năm giảm 0,59%); phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn dưới 1% (tương ứng hơn 2.900 hộ nghèo, hộ cận nghèo).
Từ một tỉnh chỉ có 1 xã đạt 7 tiêu chí và có 69 xã đạt dưới 5 tiêu chí, đến cuối năm 2018, Tây Ninh có 36/80 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM (trong đó có 8 xã biên giới), chiếm 45% số xã toàn tỉnh. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 có 16 xã đạt chuẩn NTM; giai đoạn 2016 - 2018 có 20 xã. Theo Kế hoạch năm 2019, Tây Ninh sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 42 xã (chiếm 52,5% số xã toàn tỉnh).
Dự kiến năm 2020, tỉnh sẽ có tổng số 53/80 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 18 xã biên giới), chiếm 66,25% số xã toàn tỉnh, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần X (chỉ tiêu Nghị quyết là 50%). Thành phố Tây Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Hòa Thành đạt huyện NTM.
Hội nghị đề ra mục tiêu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 phấn đấu có thêm 27 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 2 xã biên giới), bình quân 5 xã/năm, nâng số xã đạt chuẩn lên 80/80 xã (100% số xã), 20/20 xã biên giới đạt chuẩn. Ít nhất 50% số xã đã đạt chuẩn được công nhận xã NTM nâng cao, 11% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Phấn đấu 07 huyện: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu, Trảng Bàng có 100% xã đạt chuẩn, đủ điều kiện xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Lãnh đạo tỉnh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân
Dịp này, 50 tập thể và 58 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh với những thành tích, những đóng góp trong 10 năm thực hiện phong trào thi đua Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Tân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh khẳng định, sau gần 10 năm cả hệ thống chính trị nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm cùng sự nỗ lực rất lớn của các tầng lớp nhân dân, đã đạt được những kết quả rất khả quan. Đến năm 2018, toàn tỉnh có 36/80 xã đạt chuẩn NTM. Cuối năm 2019 dự kiến tỉnh có 42/80 xã (vượt Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh). Đến năm 2020, dự kiến tỉnh có 53/80 xã NTM, đạt tỷ lệ gần 67%, đặc biệt là sẽ có 18 xã biên giới đạt chuẩn NTM; không có xã nào đạt dưới 10 tiêu chí.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh mục tiêu của việc xây dựng NTM là nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao hưởng thụ về vật chất và tinh thần, văn hóa cho người dân. Điều đó thấy rõ qua những con số như tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế từ 27% năm 2009 vượt lên 81% hiện nay; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,3%/năm; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt gần 100%. Lãnh đạo UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực đó, trân trọng ghi nhận và cảm ơn những đóng góp của các tập thể, cá nhân, nhất là những tập thể cá nhân được biểu dương, khen thưởng tại hội nghị trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Trong giai đoạn tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung về xây dựng nông thôn mới theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ; quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp đảm bảo nền nông nghiệp ngày càng phát triển một cách toàn diện, bền vững hơn gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp theo hướng đạt các tiêu chuẩn để xuất khẩu gắn với việc phát triển các vùng, cụm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các cấp, các ngành cố gắng tạo môi trường thuận lợi để phát triển các loại hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích cán bộ, thanh niên trí thức về với nông thôn, về với sản xuất nông nghiệp, quan tâm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng ở nông thôn, gắn với phát triển đô thị, nhất là giao thông, thủy lợi trường học, trạm y tế, cấp thoát nước, cũng như giải quyết tốt các vấn đề vệ sinh môi trường để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Đồng chí cho rằng, việc phấn đấu đạt được danh hiệu đã khó, việc giữ vững danh hiệu đó còn khó hơn nhiều, vì vậy các cấp, các ngành trong tỉnh cố gắng để trong 5 năm tới, phấn đấu tỉnh có xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu theo chỉ đạo của Trung ương.
Quỳnh Như