Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp trong năm 2023 cao nhất trong 10 năm gần đây

Thứ tư - 03/01/2024 18:11 794 0
Chiều ngày 03/01/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trong tâm 2024. Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh, lãnh đạo Sở NNPTNT, các đơn vị thuộc Sở.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  Phùng Đức Tiến cho biết, trong năm 2023, toàn ngành đã thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản (NLTS); chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng theo đúng định hướng tại Nghị quyết "Tam nông" và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; nỗ lực vươn lên với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.

 Do đó, trong năm 2023 ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

 Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế.

Sản lượng lúa 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%; sản lượng gỗ khai thác 20,84 triệu m3, tăng 2,8%; lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao.

 Tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế. Qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông lâm thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Tập trung xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều Đề án, Chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển Ngành.

Đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; có gần 20.500 HTX nông nghiệp và 19.660 trang trại.

Công tác xây dựng thể chế, chính sách được quyết liệt chỉ đạo. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công tác chuyển đổi số, thực hiện Chính phủ số, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh ngành, sản phẩm. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.

Trong năm 2024, toàn ngành NNPTNT đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3-3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS khoảng 54-55 tỷ USD; tỉ lệ xã đạt chuẩn NTM 80%; tỉ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; tỉ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%; tỉ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới 82%.

Để đạt được những mục tiêu trên, ngành NNPTNT sẽ tiếp tục kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng ngành. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.

Phát triển ngành theo định hướng "Nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm", thực hiện Chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xác định năm 2023 là một năm được mùa, được giá, bội thu ở một số ngành của nông nghiệp Việt Nam. Thủ tướng cũng ghi nhận nỗ lực của ngành nông nghiệp trong năm 2023 vừa qua đã vượt khó, xoay chuyển tình thế từ chỗ lúng túng, bị động bất ngờ sang chủ động, tự tin, kịp thời, sáng tạo, tháo gỡ khó khăn vượt qua thách thức và gặt hái được nhiều kết quả nổi bật. Xây dựng nền nông nghiệp trong sạch, minh bạch và bền vững, lấy nông dân là chủ thể, trung tâm. Từ đó, vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp ngày càng được khẳng định.

Trong năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục bám sát các chủ trương, quán triệt các nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển ngành nông nghiệp; tiếp tục ổn định tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung đổi mới sáng tạo, đặc biệt thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và coi đây là động lực mới cho phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân thông minh, trước mắt là triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh tổ chức lại hình thức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, phát triển cụm công nghiệp chế biến gắn với vùng sản xuất; thực hiện tốt dự báo cung – cầu, thông tin thị trường, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi trồng, hạn chế khai thác; tiếp tục quản lý bảo vệ phát triển rừng, trọng tâm là thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, của người dân, doanh nghiệp.

          Việt Khoa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây