Về đề nghị ngành y tế có giải pháp phục vụ tốt hơn đối với những bệnh nhân khám theo diện bảo hiểm y tế và những bệnh nhân khám dịch vụ: Trong thời gian qua Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chú trọng cải tiến chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế nhằm rút ngắn thời gian chờ và tăng sự hài lòng của người bệnh; các bệnh viện có bố trí bàn và nhân viên hướng dẫn bệnh nhân, giải quyết những khó khăn vướng mắc để đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi đi KCB. Kịp thời thanh toán chi phí khám, chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT cho các cơ sở KCB theo đúng quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Hằng năm, thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế, trong đó có nội dung khảo sát sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế. Công tác quản lý tài chính và chi trả các chế độ BHYT được thực hiện chặt chẽ, đúng theo quy định.
- Hàng năm, chủ động phối hợp với các Bệnh viện trung ương thực hiện chuyển giao kỹ thuật theo đề án 1816, các kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
- Triển khai Dự án thiết lập hệ thống Hội chẩn y tế trực tuyến/từ xa (Telemedicine) hỗ trợ trao đổi thông tin (chủ yếu bằng hình ảnh) đối với tất cả các lĩnh vực hoạt động giữa các bệnh viện trong tỉnh (hội chẩn trực tuyến, chỉ đạo phẫu thuật, cấp cứu, hội thảo, giao ban chuyên môn, ...). Triển khai nhiều kỹ thuật phục hồi chức năng tại các TTYT huyện, thành phố giúp người khuyết tật điều trị phục hồi chức năng được hưởng chế độ BHYT. Cụ thể kế hoạch 2021-2025 như sau :
+ Bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ bệnh viện tuyến tỉnh: Lập và gửi danh sách các chuyên khoa cần hỗ trợ từ bệnh viện tuyến trên.
+ Bệnh viện tuyến Trung ương phối hợp với bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ bệnh viện tuyến huyện: Lựa chọn một số các Trung tâm y tế, các Bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện, năng lực để các bệnh viện tuyến trên cùng phối hợp để hỗ trợ chuyên môn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối với bệnh viện tuyến huyện trên nền tảng số.
+ Bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ bệnh viện tuyến huyện: Tạo liên kết và hỗ trợ, tư vấn theo lịch khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế hoặc tại nhà của bệnh viện tuyến huyện. Người dân tại tuyến y tế cơ sở được hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa bởi các bác sỹ của tuyến tỉnh, hạn chế việc phải đi xa.
- Ngoài ra các bệnh viện còn liên doanh, liên kết với các đối tác có năng lực để lắp đặt một số thiết bị kỹ thuật cao mà ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được (như: máy CT Scan ở TTYT huyện Gò Dầu, Hòa Thành, Trảng Bàng; máy mổ phaco ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Gò Dầu; máy lọc thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi, mổ phaco..tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đều được thực hiện chế độ bảo hiểm y tế cho người dân.
- Hằng tháng, hằng quý tổ chức giám định bảo hiểm y tế tập trung, xác định chi phí khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế một cách chặt chẽ nhằm hạn chế việc lạm dụng quỹ, đảm bảo việc quản lý, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng mục đích.
- Trong các năm qua, nhân lực y tế luôn thiếu so với nhu cầu, đặc biệt là bác sĩ, để đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2016-2021, phê duyệt Đề án phát triển, đào tạo nguồn nhân lực ngành Y tế tỉnh Tây Ninh theo Chương trình đào tạo nguồn nhân lực vùng kinh tế trọng điểm (liên kết với Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM), gửi đào tạo chính quy, liên thông tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, ký hợp đồng làm việc lại với bác sĩ đã nghỉ hưu,…
* Công tác cải cách thủ tục hành chính
Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, thực hiện tốt quy chế kê đơn, cấp thuốc, quy trình KCB giảm thời gian chờ đợi, gây phiền hà cho người bệnh.
Kết quả:
- Quy trình tiếp nhận, khám bệnh, xét nghiệm, cấp thuốc đã được tinh gọn tối đa theo quy định của Bộ Y tế: các cơ sở đã liên tục tăng cường thêm số bàn khám, tăng cường nhân viên hỗ trợ, phục vụ, không có sự phân biệt giữa bệnh nhân có thẻ và không có thẻ BHYT, bố trí đủ ghế ngồi, che nắng, che mưa giúp tăng sự hài lòng của người bệnh, giảm rõ rệt số lượt khám trung bình mỗi ngày ở mỗi bàn khám; sắp xếp, bố trí khoa khám bệnh hợp lý, khi cần thiết có thể tăng cường thêm nhân lực khi có nhiều người bệnh đến khám; từ hàng trăm lượt mỗi ngày đến nay giảm còn trung bình 40 lượt khám/bàn/ngày.
- Áp dụng quy trình phát số khám, thông báo trên bảng điện tử hoặc phát qua loa đài; có các hướng dẫn, quy định, nội quy, sơ đồ, biển báo dễ thấy, dễ đọc, dễ hiểu. Ứng dụng quản lý bệnh nhân bằng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh tại tất cả cơ sở khám, chữa bệnh bằng phần mềm Quản lý bệnh viện (VNPT- HIS).
- Để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, nhất là những người lao động đặc thù và tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT, ngành y tế tổ chức triển khai KCB BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ tại một số cơ sở khám chữa bệnh; thực hiện việc chuyển tuyến giữa các vùng giáp ranh cho các địa bàn giáp ranh trong tỉnh và ngoài tỉnh.
- Tổ chức ký cam kết việc thực hiện Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 04/6/2015 của Bộ Y tế về Kế hoạch triển khai thực hiện "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh" cho toàn thể nhân viên trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân với Trưởng khoa, giữa các Trưởng khoa với Giám đốc bệnh viện, Giám đốc các đơn vị với Sở Y tế.
- Các bệnh viện duy trì thực hiện hằng quý việc khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh theo mẫu của Bộ Y tế về công tác chăm sóc, phục vụ người bệnh, để có phương án chấn chỉnh kịp thời.
- Riêng bệnh viện Đa khoa tỉnh, năm 2018 đã thành lập phòng Quản lý chất lượng và thực hiện đăng ký khám chữa bệnh qua điện thoại.