Kiến nghị ngành chức năng thông tin về kết quả, tiến độ việc triển khai thử nghiệm nhân giống khoai mì sạch bệnh để giải quyết nhu cầu cấp bách về giống mì phục vụ cho sản xuất của người dân

Thứ ba - 06/04/2021 17:00 24 0
Hiện nay, dịch bệnh khảm lá trên cây mì có xu hướng lan rộng và ngày càng khó kiểm soát hơn, chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của cây mì. Kiến nghị ngành chức năng thông tin về kết quả, tiến độ việc triển khai thử nghiệm nhân giống khoai mì sạch bệnh để giải quyết nhu cầu cấp bách về giống mì phục vụ cho sản xuất của người dân (Cử tri xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu).

Trả lời:

Từ năm 2018 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã và đang phối hợp với Trung tâm Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc, Viện Di truyền Nông nghiệp, nghiên cứu, thử nghiệm giống khoai mì sạch bệnh có tính kháng hoặc chống chịu tốt với bệnh khảm lá, cụ thể:

- Phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Thực Nghiệm Nông Nghiệp Hưng Lộc trồng thử nghiệm bộ giống khoai mì gồm 38 giống (26 giống nhập nội và 12 giống do Trung tâm Nghiên cứu Thực Nghiệm Nông Nghiệp Hưng Lộc tuyển chọn). Hiện nay bộ giống này đang trong giai đoạn trồng thử nghiệm để phân tích đánh giá về năng suất, hàm lượng bột và tính kháng sâu bệnh hại, nhất là bệnh khảm lá để chọn ra giống tốt và đề nghị công nhận giống. Khi có kết quả được công nhận giống, Trung tâm Khuyến nông sẽ xây dựng mô hình nhân giống để có giống phục vụ người sản xuất khoai mì trong tỉnh.

- Phối hợp Viện Di truyền Nông nghiệp trồng nghiên cứu khảo sát bộ giống mì, như sau:

+ Vụ Đông Xuân 2018 – 2019: trồng khoảng 250 dòng/giống, trong đó có 50 dòng do Ciat nhập vào Việt Nam và nhiều giống sưu tập ở Việt Nam; kết quả: đã tuyển chọn được 08 dòng kháng có năng suất đạt trên 35 tấn/ha và 09 dòng nhiễm bệnh rất nhẹ (cấp bệnh 2/5 cấp) có năng suất đạt trên 37 tấn/ha để tiếp tục trồng theo dõi vụ 2.

+ Vụ Đông Xuân 2019 – 2020: thực hiện đánh giá 210 dòng/giống, trong đó có 107 dòng nhập nội trồng bằng cây mô với diện tích 02 ha (xã Tân Hội: 01 ha; xã Thạnh Bắc: 01 ha); kết quả bước đầu ghi nhận, tuyển chọn được một số giống sinh trưởng tốt, không nhiễm hoặc tỷ lệ nhiễm bệnh rất thấp: (1) 08 dòng vượt trội so với các giống đối chứng KM140 và KM419, năng suất bình quân trên 45 tấn/ha, hàm lượng tinh bột trên 27%; (2) 01 dòng kháng bệnh hoàn toàn có hàm lượng tinh bột trên 27%; (3) 03 dòng kháng bệnh khá (cấp bệnh 2/5 cấp), hàm lượng tinh bột trên 29%; (4) 08 dòng kháng hoàn toàn với bệnh khảm lá có năng suất bình quân và hàm lượng tinh bột ở mức khá. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về năng suất, hàm lượng tinh bột và tính kháng bệnh ổn định cần được tiếp tục đánh giá trong nhiều vụ tiếp theo.

+ Vụ Hè Thu 2020: trồng thuần 02 giống kháng bệnh (HN3 và HN5) đã được tuyển chọn với diện tích 1,3 ha (xuống giống trong tháng 5/2020 được 0,3 ha tại xã Thạnh Đông; xuống giống 01 ha trong tháng 6/2020 tại xã Tân Hội); kết quả cây sinh trưởng phát triển tốt, giống HN3 chưa nhiễm bệnh; giống HN 5 có biểu hiện bệnh rất nhẹ (cấp 2) với tỷ lệ nhiễm rất thấp < 0,5%.

Ngoài ra, ngày 24/11/2020 Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức họp Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn và đánh giá tính kháng bệnh khảm lá của 02 giống mì (HN3 và HN5) trồng tại xã Tân Hội, kết quả: Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đồng ý cho phép Viện Di truyền Nông nghiệp chuẩn bị hồ sơ tự công bố giống. Hiện, đang chờ kết quả đánh giá năng suất và chữ bột vào cuối vụ, dự kiến mì sẽ thu hoạch vào cuối tháng 3 – đầu tháng 4/2021.

Kế hoạch sẽ tiếp tục trồng 02 giống kháng bệnh (HN3 và HN5) trên diện tích khoảng 3–4 ha ở vụ Hè thu 2021, sau đó sẽ đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống mới và đẩy nhanh tiến độ nhân giống phục vụ sản xuất đại trà ngay khi có quyết định công nhận.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây