Đề nghị UBND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương và Bình Phước trong quản lý chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng vì hiện nay các hộ chăn nuôi xả thải hoặc sử dụng hóa chất trong chăn nuôi gây ô nhiễm nguồn nước

Thứ tư - 12/01/2022 11:00 49 0

Trả lời:

Đối với công tác quản lý nhà nước về quản lý chất lượng nước trong công trình thủy lợi nói chung và hồ chứa nước Dầu Tiếng nói riêng, UBND tỉnh đã ban hành 05 văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi; đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ trì cùng các sở, ngành liên quan trong các cuộc họp, làm việc với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Đơn vị quản lý Hồ Dầu Tiếng) về việc sơ kết công tác cấp nước vụ Đông Xuân năm 2020-2021 và xây dựng kế hoạch cấp nước vụ Hè Thu năm 2021 ngày 19/3/2021. Các kết quả cụ thể:

- Về công tác xây dựng Quy chế phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh:

+ Xây dựng Quy chế phối hợp trong quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa: hiện nay, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đang hoàn chỉnh Quy chế phối hợp, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các tỉnh trong vùng hưởng lợi tổ chức ký kết, làm cơ sở tổ chức thực hiện. Sau khi Quy chế phối hợp được ban hành, sẽ giúp công tác quản lý nhà nước cũng như công tác quản lý các hoạt động trong hồ chứa nước Dầu Tiếng ngày càng tốt hơn, đi vào chiều sâu.

+ Xây dựng Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường: UBND tỉnh đã ký Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Bình Phước và tỉnh Lâm Đồng (Quy chế phối hợp số 37/QCPH-TPHCM-ĐN-LA-TG-BD-BP-LĐ-TN ngày 16/01/2017).

- Về công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường:

+ Thường xuyên giám sát việc chấp hành pháp luật nhà nước liên quan đến hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản cát, trong khu vực hồ chứa nước Dầu Tiếng theo Quyết định số 979/QĐ-UBND ngày 14/5/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Tổ Tác nghiệp kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trong hồ Tha La, hồ Dầu Tiếng.

+ Trong năm 2021, phối hợp Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường kiểm tra, giám sát các hoạt động của 30 doanh nghiệp có nguồn thải ra thượng nguồn hồ chứa nước Dầu Tiếng. kết quả: ngành tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý 03 doanh nghiệp vi phạm. Mặt khác, ngày 28/10/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 6867/STNMT-BVMT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Bình Dương, Bình Phước cung cấp thông tin và phối hợp kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp có nguồn thải ra thượng nguồn hồ chứa nước Dầu Tiếng; riêng đối với cơ sở chăn nuôi heo Bảy Sinh, cơ sở sản xuất mủ Năm Hồng tại xã Minh Hòa huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương đang nằm trong phạm vi phải di dời nhưng vẫn hoạt động, có xả thải trực tiếp vào hồ khi chưa được cấp phép, hiện nay Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa đang đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh để xử lý theo quy định.

+ Về quan trắc và chất lượng nguồn nước: Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa thực hiện lấy mẫu định kỳ tại 15 vị trí (05 nhánh suối về hồ; 03 vị trí kênh chính Tây, 03 vị trí kênh chính Đông, kênh Tân Hưng, kênh Phước Hòa, kênh Đức Hòa, trong hồ) để phân tích chất lượng nước, kết quả: chất lượng nước tại các vị trí lấy mẫu đảm bảo các nhu cầu sử dụng nước cho mục đích cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, thủy lợi và mục đích sử dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự; báo cáo kết quả định kỳ hàng quý chất lượng nước đến các tỉnh liên quan (tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh). 

Ngoài ra, để tăng cường theo dõi chất lượng nguồn nước, Sở Tài nguyên và môi trường quan trắc hiện trạng chất lượng nước mặt hồ chứa nước Dầu Tiếng tại 06 vị trí: bến Cửu Long, cầu Tha La, cửa xả kênh: Tân Hưng, chính Đông, chính Tây và đập Chính; tần suất lấy mẫu 01 lần/tháng. Riêng 06 tháng mùa khô, thực hiện quan trắc chất lượng nước mặt hồ chứa nước Dầu Tiếng tại 03 vị trí cửa xả ra kênh: Tân Hưng, chính Đông, chính Tây; thời gian lấy mẫu 03 ngày/lần để giám sát chất lượng nước trong công trình thủy lợi, hồ chứa nước Dầu Tiếng; kết quả: các thông số phân tích như pH, DO, COD, BOD5, TSS, Độ dẫn và độ đục, so sánh với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT trong giới hạn cho phép, không có thông số nào vượt ngưỡng quy định, chất lượng nước mặt có chiều hướng tốt hơn so với cùng thời gian các năm trước.






Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây