Đề nghị ngành chức năng có biện pháp tốt nhất để bảo vệ người dân trong công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm

Thứ hai - 16/12/2024 16:59 56 0

Trả lời:

Công tác quản lý vệ sinh anh toàn thực phẩm được thực hiện căn cứ vào các quy định sau: Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;  Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND tỉnh ngày 05/12/2022 của UBND tỉnh quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Trên cơ sở các quy định trên, đối với việc kiểm soát chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường thời gian qua, các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã và đang làm tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn đối với các đối tượng được phân cấp quản lý theo quy định; tổ chức truyền thông, giáo dục kiến thức thực hành đúng về an toàn thực phẩm trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

Cụ thể, hàng năm, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đều chỉ đạo 3 ngành: Y tế, Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp kiểm tra về an toàn thực phẩm trong 03 đợt kiểm tra cao điểm: trước và sau Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì An toàn thực phẩm và Tết Trung thu từ tỉnh đến xã. Ngoài ra trong các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, mỗi ngành đều chủ động mời các đơn vị phối hợp trong công tác kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với những sản phẩm không đảm bảo chất lượng và tại mỗi địa phương đều có các Đội Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hàng năm đều triển khai xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên ngành về dịch vụ ăn uống đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh và kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu của cấp trên hoặc khi có các vấn đề phát sinh có liên quan.

- Đối với tình trạng những hộ dân buôn bán hàng rong hoặc bán trước cổng trường học, chợ, bệnh viện, công viên,… Căn cứ Điều 12, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các cơ sở này không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (căn cứ Điều 5 Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND). Theo các quy định này, các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh loại hình nêu trên được hướng dẫn làm thủ tục cam kết đảm bảo ATTP với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Đồng thời, hằng năm Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đều có phân bổ kinh phí và chỉ đạo tuyến huyện, xã thực hiện tuyên truyền và kiểm tra theo đúng phân cấp, theo phân cấp quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn của địa phương do UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND cấp xã phối hợp với các Đội Quản lý thị trường đóng trên địa bàn tổ chức thực hiện quản lý, xử lý nghiêm các hộ dân buôn bán hàng rong, bán trước cổng trường học, chợ, bệnh viện, công viên,… xử lý nghiêm đối với những mặt hàng không rõ nguồn gốc, không có kiểm tra chất lượng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là trẻ em.

- Bên cạnh đó, trong thời gian qua Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện công tác truyền thông, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của các em học sinh, giáo viên tại các cơ sở giáo dục, phụ huynh, người tiêu dùng,… với nhiều hình thức đa dạng như cấp phát tờ rơi, nói chuyện lồng ghép, xe loa cơ động, tổ chức tập huấn an toàn thực phẩm,…

- Mặt khác, Sở Y tế thường xuyên tự tổ chức, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các đợt thanh kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định, thức ăn đường phố, thực phẩm không rõ nguồn gốc bày bán tại các cổng trường tại các đợt cao điểm hay đặc biệt vào các kỳ thi tuyển sinh trong năm. Thông qua các đợt thanh kiểm tra, yêu cầu các cơ sở này không kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tóm lại, nội dung mà cử tri đặt ra đã được các ngành chức năng quan tâm quản lý và việc kiểm tra thường xuyên thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây