Đề nghị ngành chức năng có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện công lập, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; đẩy nhanh tiến độ thành lập trường Cao đẳng Y tế

Thứ năm - 29/02/2024 15:28 272 0

Trả lời:

*Tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại các bệnh viện công lập 

- Tình hình cung ứng thuốc

Hiện nay đã có kết quả của 2 gói thầu thuốc generic nên tình trạng thiếu thuốc, nhất là đối với thuốc khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế đã cơ bản được khắc phục. Mặt khác để các đơn vị có thuốc phục vụ cho bệnh nhân, UBND tỉnh giao Sở Y tế có Công văn 4350a/SYT-NV ngày 06/12/2023 về việc đảm bảo cung ứng thuốc, chủ động mua sắm các thuốc chưa có và không có kết quả lựa chọn nhà thầu. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện công tác đấu thầu các mặt hàng thuốc chưa có kết quả trúng thầu và đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc generic đấu thầu tập trung cấp địa phương giai đoạn 2022-2024 và gói thầu thuốc dược liệu phối hợp với dược chất hóa dược, thuốc cổ truyền (không bao gồm vị thuốc cổ truyền) bổ sung vào danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương để sử dụng tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Dự kiến sẽ hoàn thành quý I/2024.

- Tình hình cung ứng vật tư y tế

Sau dịch COVID-19, các cơ sở y tế công lập rất khó khăn trong mua sắm vật tư, thiết bị y tế, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của chính phủ về quản lý trang thiết bị và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó do đứt gãy nguồn cung; tâm lý sợ làm sai, sợ vướng pháp luật trong công tác mua sắm đấu thầu. Trong đó việc lấy “ba báo giá” của hóa chất và vật tư trang thiết bị gặp rất nhiều khó khăn, có loại máy móc chỉ có một hoặc hai đại diện/nhà cung cấp, việc tìm ba báo giá cũng khó khăn.

Đến ngày 30/6/2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 14/2023/TT-BYT quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, Thông tư này tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở y tế yên tâm mua sắm trang thiết bị y tế mà không phải e ngại như trước.

Tuy nhiên, quy trình để thực hiện công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư y tế tiêu hao tại các cơ sở y tế công lập phải mất nhiều thời gian trong xây dựng danh mục hóa chất, vật tư y tế tiêu hao (khoảng 1-2 tháng); Chủ đầu tư đăng tải yêu cầu báo giá (tối thiểu 10 ngày); Các cơ sở y tế phải nhập giá vào danh mục (thời gian khoảng 30 - 45 ngày); Lập dự toán mua sắm (khoản 20 ngày); Công tác đấu thầu (khoảng 60 ngày). Đến cuối tháng 12/2023 hầu hết các cơ sở y tế công lập bắt đầu cơ bản có vật tư hoá chất và trang thiết bị y tế. Đến nay đã hầu như khắc phục tình trạng thiếu vật tư y tế tại các đơn vị y tế công lập. Riêng Bệnh viện đa khoa tỉnh, do gói thầu vật tư, trang thiết bị y tế có giá trị lớn (trên 100 tỷ) nên việc lấy giá kéo dài. Đến ngày 31/12/2023, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã hoàn tất các thủ tục để đăng thông báo mời thầu, dự kiến tháng 4/2024 có thuốc và vật tư phục vụ công tác khám chữa bệnh.

*Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở Y tế công lập

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh công lập thực hiện một số giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cụ thể như:

- Củng cố hệ thống khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập, phối hợp với bệnh viện thành phố Hồ Chí Minh triển khai một số dịch vụ kỹ thuật mới tại bệnh viện Đa khoa Tây Ninh như: Khoa Điều trị đột quỵ đề cấp cứu xuất huyết não, nhối máu não, can thiệp mạch vành…và phát triển phụ hồi chức năng (PHCN) đa chuyên ngành tại bệnh viện PHCN tỉnh đã tạo được niềm tin cho người dân khi đến khám chữa bệnh, đặc biệt là việc PHCN cho các người bị tai biến mạch máu não.

- Tham mưu ban hành các chính sách tăng cường chế độ thu hút bác sĩ tự đào tạo và từ địa phương khác về làm việc thông qua giải pháp kêu gọi đầu tư các phòng khám tư nhân và bệnh viện tư nhân; Thực hiện tốt các chính sách hiện hành của tỉnh về thu hút nguồn nhân lực, tiếp tục đào tạo bác sĩ theo địa chỉ; điều động, bổ nhiệm, khen thưởng kịp thời; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

- Tăng cường cải cách hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm thủ tục hành chính quản lý khám chữa bệnh, triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, thống kê y tế; hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia; hệ thống thông tin quản lý bệnh viện (HIS), hội chẩn trực tuyến từ xa (Telemedicine), hệ thống thông tin tim mạch, hệ thống quản lý toa thuốc điện tử, hệ thống quản lý kho thuốc trong các đơn vị y tế công lập,…

- Nâng cấp và sửa chữa các Bệnh viện tuyến tỉnh, các TTYT huyện, trạm y tế đã xuống cấp; Khuyến khích và tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển song song với y tế công lập.

- Xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để chủ động trong phòng chống dịch bệnh, ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng; bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm.

- Tăng cường đổi mới phong cách làm việc sẵn sàng tiếp đón, sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng chia sẽ; thái độ luôn ân cần, niềm nở, vui vẽ; trang bị thêm quạt, ghế ngồi, tivi… tại vị trí ngồi chờ khám.

*Đẩy nhanh tiến độ thành lập trường Cao đẳng Y tế trên cơ sở nâng cấp trường Trung cấp Y tế Tây Ninh.

Hiện nay, UBND tỉnh đang xây dựng 02 Đề án gồm: Đề án củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống y tế công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến 2050 và Đề án Trường Cao đẳng Y tế.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây