Trả lời:
- Đến cuối tháng 05/2024, Sở Y tế đã hoàn thành công tác đấu thầu tập trung cấp địa phương được 4 gói thầu với 1.217 mặt hàng/ 1.570 mặt hàng được phê duyệt kế hoạch, đạt tỉ lệ 77,52%; cơ bản đảm bảo nhu cầu thuốc BHYT phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu cục bộ một số loại thuốc do còn một số loại thuốc không lựa chọn được nhà thầu.
- Đến tháng 7 năm 2024, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh công lập đã hoàn thành công tác đấu thầu hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao và đã ký hợp đồng mua sắm, đảm bảo phục vụ công tác khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
Do đó hiện nay tất cả các cơ sở KCB công lập trên địa bàn tỉnh đảm bảo đủ thuốc BHYT, hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao phục vụ công tác khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh vấn đề thiếu thuốc BHYT, vật tư, trang thiết bị y tế ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh thời gian qua còn có các nguyên nhân khác như tình trạng thiếu nhân lực y tế công lập, đặc biệt bác sĩ và điều dưỡng trình độ cao, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, nhiều đơn vị sử dụng lâu nhưng chưa được quyết toán nên không thể sửa chữa được, chất lượng công tác khác chữa bệnh chưa đồng đều giữa các đơn vị, công tác quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT còn gặp nhiều khó khăn, các đơn vị được giao chủ tài chính gặp khó khăn do thu không đủ chi,…
Từ những nguyên nhân trên, Sở Y tế có các giải pháp căn cơ, lâu dài để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành y tế để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới:
- Sở Y tế đã trình UBND tỉnh Đề án củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn đến năm 2030.
- Tổ chức lại các Trạm Y tế theo hướng bố trí thiết bị và nhân lực hợp lý, không "cào bằng": rà soát lại để đánh giá hiệu quả hoạt động của khách trạm y tế cấp xã theo định hướng, tổ chức và hoạt động của trạm y tế phải phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng tiếp cận của người dân. Xây dựng và thực hiện đầu tư các Trạm Y tế cấp xã phù hợp với nhu cầu thực tế để sử dụng nguồn lực (nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất) hiệu quả. Hạn chế đầu tư dàn đều, tập trung cùng một lúc theo phong trào.
- Sở Y tế tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, Chính quyền các cấp để ban hành các cơ chế chính sách thuận lợi, phù hợp và hiệu quả để phát triển về: nguồn vốn, quản lý tài chính, nhân lực y tế, xã hội hoá, tạo điều kiện để ngành y tế triển khai hoạt động theo những chỉ tiêu sức khoẻ đã đề ra,... Đặc biệt cần có những chính sách chế độ mạnh mẽ, thu hút hơn nữa để phát triển nhân lực y tế.
+ Sở Y tế đã hoàn thành quyết toán năm 2023 của các đơn vị trong ngành, xác định các khoản hụt thu để xin NSNN bù hụt thu. Sau khi được hỗ trợ bù hụt thu sẽ tiến hành giải quyết dứt điểm công nợ với các đơn vị cung cấp thuốc; lành mạnh hoá công tác tài chính của các đơn vị KCB nhà nước.
+ Sau khi lành mạnh hoá tài chính, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị KCB tăng cường phát triển kỹ thuật mới, xây dựng đề án KCB dịch vụ để tăng thu nhập cho đơn vị và nhân viên Y tế, đủ tiềm lực tài chính để thu hút nhân viên y tế có chuyên môn cao về đơn vị KCB nhà nước làm việc.
+ Thực hiện tốt Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh Tây Ninh. Tập trung quy hoạch và thu hút nguồn nhân lực y tế, nâng cao quy mô và cấp đào tạo, đào tạo lại cán bộ trong ngành, chú trọng đào tạo toàn diện. Phối hợp với các trường để tăng cường chỉ tiêu đào tạo nữ hộ sinh, bác sỹ, cử nhân y tế công cộng, dinh dưỡng và đào tạo sau đại học và chuyên khoa sâu. Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực là người của địa phương.
- Ðẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế ở tuyến y tế cơ sở, trong đó khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
- Triển khai thực hiện hiệu quả theo Quyết định số 4750/QĐ-BYT sửa đổi, bổ sung Quyết định số 130/QĐ-BYT ngày 18/01/2023 quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) và giải quyết các chế độ liên quan.
- Thực hiện thoả thuận hợp tác và phát triển giữa các tỉnh vùng Đông Nam bộ với các nội dung trọng tâm như: hợp tác, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các bệnh viện tuyến tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ.
Với các giải pháp nêu trên, chất lượng KCB trong thời gian tới chắc chắn sẽ được nâng cao, đáp ứng cung cấp dịch vụ KCB theo đúng quy định của luật BHYT.