Trả lời:
Căn cứ Điểm b Khoản 1, Điều 2; Khoản 2 Điều 4; Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính: Hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
“ Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, bao gồm cả một số trường hợp sau:
b) Hoạt động đại lý bán đúng giá đối với đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán hàng đa cấp của cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với doanh nghiệp xổ số, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp;
2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
1. Doanh thu tính thuế
Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.”
Từ những căn cứ pháp lý trên và thông tin về doanh thu của các ngành nghề kinh doanh cá nhân đó chưa cụ thể, xảy ra 02 trường hợp:
Trường hợp 1: Cá nhân kinh doanh có doanh thu từ tất cả các hoạt động kinh doanh trong năm từ 100 triệu đồng/năm trở xuống (Bao gồm cả thu nhập được hưởng từ làm đại lý bảo hiểm y tế) thì không phải đóng thuế TNCN. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm có khấu trừ phần thuế TNCN của cá nhân đó thì Cá nhân liên hệ trực tiếp với Doanh nghiệp để xác định lại số tiền phải khấu trừ.
Ví dụ: Trong năm Cá nhân có doanh thu từ các hoạt động kinh doanh cụ thể: Cho thuê nhà: 4.000.000 đồng/ Tháng; Bán lẻ các loại hàng hóa: 1.000.000 đồng/ Tháng; Thu nhập từ làm địa lý Bảo hiểm y tế: 1.047.000 đồng/ Tháng. Vậy tổng doanh thu từ các hoạt động kinh doanh của Cá nhân là: (4.000.000 + 1.000.000 + 1.047.000)*12 = 72.564.000 đồng/ Năm. Thì cá nhân đó không phải đóng thuế TNCN đối với tất cả các hoạt động kinh doanh của cá nhân đó.
Trường hợp 2: Cá nhân kinh doanh có doanh thu từ tất cả các hoạt động kinh doanh trong năm trên 100 triệu đồng/ năm (Bao gồm cả thu nhập được hưởng từ làm đại lý bảo hiểm y tế) thì Cá nhân phải đóng thuế TNCN. Hồ sơ khai thuế; Nơi nộp hồ sơ khai thuế; Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế; Thời hạn nộp thuế được hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư số 40/2021/TT-BTC.
Ví dụ: Trong năm Cá nhân có doanh thu từ các hoạt động kinh doanh cụ thể: Cho thuê nhà: 6.000.000 đồng/ Tháng; Bán lẻ các loại hàng hóa: 2.000.000 đồng/ Tháng; Thu nhập từ làm địa lý Bảo hiểm y tế: 1.047.000 đồng/ Tháng. Vậy tổng doanh thu từ các hoạt động kinh doanh của Cá nhân là: (6.000.000 + 2.000.000 + 1.047.000)*12 = 108.564.000 đồng/ Năm. Thì cá nhân đó phải đóng thuế TNCN đối với tất cả các hoạt động kinh doanh của cá nhân. Riêng số tiền thuế TNCN đối với thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm y tế là: 1.047.000 đồng *12 tháng* 5% = 628.200 đồng.
Do đó, đối với cá nhân cần thông tin chi tiết vui lòng liên hệ Chi cục Thuế khu vực Thành phố - Châu Thành hoặc Cục Thuế tỉnh để có thêm thông tin.