Kiến nghị tỉnh có nhiều giải pháp để phát huy ngành nghề truyền thống ở địa phương thời gian tới

Thứ tư - 17/08/2022 16:00 168 0

Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 nghề truyền thống và 01 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, gồm: Mộc gia dụng; Làm nhang; Đúc gang; Mây tre đan; Làm bánh tráng; Rèn; Chằm nón lá; Gò nhôm... và Làng nghề truyền thống Mây tre đan.

Bên cạnh một số nghề truyền thống tạo được việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn như: Làm bánh tráng, Mộc gia dụng thì phần lớn các nghề còn lại đang gặp khó khăn do thiếu nhân lực, thiếu sự đầu tư vào khâu sản xuất, nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm từ đó sản phẩm chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nguyên nhân là do nguyên liệu đầu vào ngày càng thu hẹp dần; hình thức sản xuất mang tính thủ công; giá thành sản phẩm cao; đầu ra sản phẩm hạn chế; thiếu vốn đầu tư trang thiết bị nhằm nâng cao năng suất sản xuất, chất lượng sản phẩm; lao động nông thôn chuyển sang làm việc tại các khu công nghiệp và thành thị...

Từ những vấn đề trên, để bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham UBND tỉnh ban hành Quyết định số 938/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2022-2025. Trên cơ sở Kế hoạch này, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch cụ thể theo từng năm, đồng thời tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp:

- Tuyên tuyền, phổ biến các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP, tập trung hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn.

- Tổ chức lại các hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo hướng hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức hợp đồng liên kết gắn quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên tham gia liên kết.

- Phát triển các vùng nguyên liệu gắn sản xuất với sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn theo chuỗi giá trị.

- Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, đa dạng hóa các loại hình du lịch, trong đó chú trọng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn cụ thể: từng bước hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao, vùng chuyên canh các loại cây trồng, cây ăn quả…gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn nhằm giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm đặc sản với các điểm, tuyến du lịch để thu hút khách du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.

 - Huy động các nguồn lực để hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn gồm: kinh phí lồng ghép từ các chương trình xúc tiến thương mại; khoa học công nghệ; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khuyến công và Chương trình OCOP. Kinh phí hỗ trợ phát triển các ngành nghề nông thôn từ ngân sách trung ương; ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt chú trọng hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại điện tử đối với các sản phẩm nghề truyền thống và sản phẩm đặc sản khác của địa phương.

- Thường xuyên cập nhật, nắm bắt tình hình hoạt động các ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để kịp thời đề xuất những giải pháp tháo gỡ trong quá trình thực hiện. 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây