Kiến nghị cơ quan có giải pháp hạn chế, khắc phục tình trạng thanh thiếu niên sau cai nghiện ma túy bắt buộc phần lớn bị tái nghiện

Thứ sáu - 01/12/2023 11:14 484 0

Hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên sau cai nghiện ma túy bắt buộc phần lớn bị tái nghiện; tội phạm ma túy sau khi ra tù tiếp tục phạm tội. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu quy trình cai nghiện, quy trình cải tạo trong nhà giam để có giải pháp hạn chế, khắc phục tình trạng nêu trên.

Trả lời:

- Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 và các văn bản quy định chi tiết (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022) quy định: lực lượng Công an cấp xã giúp Chủ tịch UBND cùng cấp lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý và quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú. Công tác cai nghiện ma tuý (bao gồm cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc) và quản lý sau cai nghiện được thực hiện theo Luật Phòng, chống ma tuý và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ; phạm nhân cải tạo trong trại giam đã có luật THAHS điều chỉnh và các văn bản dưới luật hướng dẫn công tác quản lý giáo dục rất chặt chẽ.

- Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, năm 2022, tổng số người đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 262 người, số người tái nghiện (từ lần thứ 2 trở lên) là 80/262 người (chiếm tỷ lệ 30.53%); 6 tháng đầu năm 2023, tổng số người đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 203 người, số người tái nghiện (từ lần thứ 2 trở lên) là 69/203 người (chiếm tỷ lệ 33.99%). Nguyên nhân chủ yếu: do thiếu sự quan tâm, quản lý chặt chẽ từ gia đình của người sau cai nghiện; bản thân họ thiếu tu dưỡng, dễ bị lôi kéo, rủ rê bởi các đối tượng xấu; việc tạo điều kiện về việc làm cho người sau cai nghiện chưa được quan tâm, hỗ trợ.

- Các đối tượng tù tha, đặc xá nói chung, phạm tội liên quan đến ma tuý nói riêng, sau khi chấp hành án trở về địa phương được Công an cấp xã quản lý, cảm hoá giáo dục, tác động để không tiếp tục phạm tội, đồng thời phối hợp các ngành liên quan hỗ trợ khó khăn, giúp tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, các đối tượng tù tha, đặc xá có biểu hiện hoặc dấu hiệu nghi vấn hoạt động phạm tội được lực lượng Công an đưa vào diện quản lý; chủ động đấu tranh khi đối tượng cấu kết, mốc nối hoạt động phạm tội. Tuy nhiên, tái phạm vẫn diễn ra (trong 6 tháng đầu năm 2023, có 12/59 người, chiếm tỷ lệ 20.34% ). Nguyên nhân chủ yếu: bản thân người sau khi chấp hành án thiếu tu dưỡng, rèn luyện, bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ; chưa được tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ vốn, việc làm để tái hòa nhập cộng đồng.

- Thời gian tới, UBND tỉnh giao Công an tỉnh:

+ Tiếp tục quản lý chặt chẽ các đối tượng tù tha, đặc xá về địa phương, thường xuyên kiểm danh, kiểm diện, gọi hỏi răn đe, cảm hoá giáo dục, không để đối tượng tiếp tục tái phạm.

+ Tiếp tục đấu tranh, kiểm soát, ngăn chặn nguồn cung cấp ma tuý từ Campuchia về Việt Nam qua địa bàn tỉnh Tây Ninh và từ các tỉnh, thành giáp với Tây Ninh; tăng cường triệt xoá các đối tượng mua bán ma tuý nhỏ lẻ để kéo giảm người nghiện, người sử dụng ma tuý.

+ Phối hợp các lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện có dấu hiệu chứa chấp, tổ chức sử dụng ma tuý; quản lý chặt, xử lý nghiêm các đối tượng hoặc địa điểm cung cấp “bóng cười”, shisha, thuốc lá điện tử… trên địa bàn. Tăng cường triệt xoá các tụ điểm phức tạp về ma tuý trên địa bàn, không để hình thành tụ điểm mới gây mất an ninh, trật tự.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây