Hội nghị giao ban công tác phối hợp giữa các Cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam năm 2022

Thứ sáu - 23/12/2022 08:00 370 0
Sáng ngày 22/12, tại thành phố Tây Ninh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đăng cai tổ chức Hội nghị giao ban công tác phối hợp 20 Cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam năm 2022.

Quang cảnh hội nghị

 
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội nghị

Đến dự có đồng chí Trần Hữu Linh  - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT); đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh.

Trong năm 2022, tình hình thị trường hàng hóa khu vực phía Nam tương đối ổn định, hàng hóa lưu thông phong phú, đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, ở các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ lưu lượng hàng hóa rất dồi dào, giá cả tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. Hàng hóa lưu thông trên thị trường chủ yếu có nguồn gốc sản xuất trong nước, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định về ghi nhãn hàng hóa.

Riêng về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có sự biến động về nguồn cung do ảnh hưởng của thị trường xăng dầu thế giới và trong nước nên một số thương nhân đầu mối không đủ nguồn xăng dầu cung cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp tạm nghỉ do hết xăng dầu, có trường hợp vẫn mở cửa bán nhưng hết xăng hoặc hết dầu, hoặc chỉ bán theo định mức. Với sự nỗ lực của lực lượng QLTT, từ cuối tháng 11 đến nay, tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu đã đi vào ổn định.

Tuy nhiên, tình hình vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn còn diễn biến phức tạp, hàng hóa được phát hiện chủ yếu là các mặt hàng thuốc lá điếu, đường cát, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng, mắt kính, đồng hồ đeo tay, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em, điện thoại di động, hàng thiết yếu tiêu dùng, xe đạp điện, xe máy điện, phụ tùng xe, sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục nhà nước cấm nhập khẩu...

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu không mới nhưng ngày càng tinh vi hơn, các đối tượng buôn lậu dùng nhiều biện pháp ngụy trang cất giấu hàng hóa trong các bao tải, cốp xe, thùng hàng... Đối tượng thường chia nhỏ số lượng hàng hóa vận chuyển trên các phương tiện xe ô tô khách, ô tô tải hoạt động lén lút vào ban đêm và để cùng với hàng hóa sản xuất trong nước hoặc hàng hóa nhập khẩu hợp pháp nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Tình hình gian lận thương mại trên thị trường vẫn còn diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, lợi dụng sự thiếu thông tin của người tiêu dùng hoặc lợi dụng lòng tin để quảng cáo, giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, có xuất xứ nước ngoài, giá rẻ nhưng thực chất những loại hàng hóa này đều là hàng hóa kém chất lượng, không có xuất xứ rõ ràng; kinh doanh hàng hóa kém chất lượng.

Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được chào bán công khai qua các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube..., ứng dụng OTT như Zalo, Viber… Việc bán hàng qua mạng gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng.

Tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm vẫn còn vì yếu tố lợi nhuận mà thực hiện các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, bất chấp đến yếu tố sức khỏe của người tiêu dùng.

Trong năm 2022, Cục Quản lý thị trường 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã kiểm tra 21.508 vụ, phát hiện vi phạm 13.496 vụ, xử lý 13.516 vụ, thu phạt tổng số tiền gần 142 tỷ đồng.

Công tác phối hợp giữa các Cục quản lý thị trường đã góp phần mang lại hiệu quả trong nắm bắt thông tin liên quan đến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm đúng theo quy định của pháp luật.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích những thuận lợi, khó khăn trong công tác và đều thống nhất cao cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các cục QLTT khu vực phía Nam-địa bàn đang diễn ra tình hình vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại với nhiều hình thức khá phức tạp. Qua đó nhằm ổn định tình hình thị trường, nhất là dịp cận tết Nguyên đán sắp đến.

Đồng chí Lê Khánh Hưng - Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang mong muốn các cục QLTT cần phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa trên các lĩnh vực
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Loan – Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Bình Phước cho biết lực lượng QLTT tỉnh đã thực hiện kiểm tra 213 vụ, phát hiện 111 vụ vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm, giảm so với năm 2021

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc – Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Bến Tre cho biết, trong năm 2022, đấu tranh vi phạm trên lĩnh vực thương mại điện tử ở tỉnh này đạt hiệu quả chưa cao. Qua kiểm tra 134 vụ phát hiện 192 vụ (chiếm tỷ lệ 92%) số tiền thu nộp ngân sách trên 1 tỷ đồng, nổi lên hiện nay ở tỉnh là gian lận về nhãn hàng hóa

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh cho biết, với đặc điểm là tỉnh có đường biên giới khoảng 240 km tiếp giáp với Campuchia và giáp ranh với các tỉnh Long An, Bình Dương, Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh là địa bàn trọng điểm trung chuyển hàng hóa từ nước bạn sang các tỉnh lân cận qua đường bộ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng hoạt động vận chuyển, mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm vào thị trường nội địa với nhiều thủ đoạn tinh vi. Bên cạnh đó, mặt hàng xăng dầu trong năm có nhiều biến động do ảnh hưởng của thị trường xăng dầu thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường.

Đồng chí Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Trước tình hình đó, lực lượng QLTT tỉnh đã triển khai hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát thị trường; thường xuyên phối hợp với các ban, ngành góp phần ổn định thị trường, nhất là mặt hàng xăng dầu.

Theo thống kế, trong năm 2022, Cục QLTT tỉnh Tây Ninh đã kiểm tra 746 vụ, phát hiệu 410 vụ vi phạm (các mặt hàng trọng điểm vi phạm là xăng dầu, phân bón), thu nộp ngân sách gần 5,6 tỷ đồng. Cùng với đó, Tây Ninh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân khu vực biên giới không tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng chí Trần Hữu Linh  - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT mong muốn các cục QLTT khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao trong thời gian tới

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Hữu Linh  - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT ghi nhận những nỗ lực của các cục QLTT khu vực phía Nam trong thực hiện nhiệm vụ với tinh thần đoàn kết, phối hợp lẫn nhau góp phần bình ổn thị trường. Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT đánh giá cao việc các Cục QLTT đã triển khai nghiêm túc kế hoạch được giao dù gặp nhiều khó khăn, đến nay có 14/20 cục đã hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu được giao, trong đó có tỉnh Tây Ninh.

Với nhận định tình hình các loại hàng hóa xâm nhập từ biên giới vào nội địa chủ yếu diễn ra trên địa bàn các tỉnh phía Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT đề nghị các cục QLTT cần nâng cao nhận thức trách nhiệm để quản lý cho được các mặt hàng này, kiên quyết xử lý các mặt hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang ngang nhiên tồn tại. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, cần xem trọng công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cục, vụ.

Chỉ đạo nhiệm vụ trong năm 2023, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT yêu cầu các Cục QLTT thực hiện nghiêm túc kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý hàng buôn lậu, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng dịp tết (nhất là mặt hàng xăng dầu), tập trung thanh tra chuyên ngành đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xăng dầu đảm bảo hoạt động đúng quy định của pháp luật.

Với việc biên chế của ngành sẽ tiếp tục tinh giản theo giai đoạn, các Cục QLTT cần thay đổi phương pháp làm việc với cách quản lý điều hành khoa học, hợp lý, ứng dụng công nghệ thông tin tăng hiệu quả công việc.

Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, chuẩn hóa hoạt động cấp đội đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thay đổi tư duy, quyết tâm phòng ngừa, phản ứng nhanh, nâng cao quản lý địa bàn bởi chỉ khi nắm địa bàn tốt thì công tác quản lý, xử lý hành vi vi phạm mới đạt hiệu quả cao nhất.

Với sự quan tâm trang bị các phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng QLTT, Tổng Cục trưởng mong muốn các lực lượng cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

Lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Tây Ninh trao cờ luân phiên tổ chức hội nghị cho lãnh đạo Cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh

Tại hội nghị, Cục QLTT tỉnh Tây Ninh chuyển giao nhiệm vụ đăng cai Hội nghị giao ban công tác phối hợp 20 Cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam năm 2023 cho Cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh.

Song Trần

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây