Ngành tư pháp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2023

Thứ tư - 21/12/2022 17:00 400 0
Chiều ngày 19/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của công tác tư pháp năm 2023.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đến dự và chỉ đạo hội nghị. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Võ Đức Trong – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, thực hiện chủ trương "Hướng về cơ sở", trong năm 2022, Bộ, ngành Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị, làm việc trực tiếp với các địa phương, bộ, ngành. Qua đó, vừa kiểm tra, đôn đốc, vừa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành từ cơ sở.

Năm 2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định 32 đề nghị xây dựng văn bản và 251 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); Tổ chức Pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 521 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 308 đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân và 4.675 dự thảo VBQPPL; các Phòng Tư pháp thẩm định 2.836 dự thảo VBQPPL.

Trong năm, các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 12 luật, 06 nghị quyết và cho ý kiến đối với 14 dự án luật khác. Các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 564 VBQPPL. Ở các địa phương, đã ban hành 3.948 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 9,1% so với năm 2021); ban hành 2.739 VBQPPL cấp huyện (tăng 44,8% so với năm 2021); có 778 VBQPPL cấp xã được ban hành năm 2022 (giảm gần 70% so với năm 2021).

Qua phân tích số liệu cho thấy, số lượng VBQPPL ở địa phương, nhất là cấp huyện, tăng nhiều so với năm 2021 phần nào cho thấy tình hình kinh tế - xã hội, nhất là tác động của dịch bệnh COVID-19 làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý cần phải kịp thời có những quy định điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế - xã hội. Số liệu VBQPPL tại cấp xã giảm cũng phù hợp với chủ trương giảm VBQPPL ở cơ sở.

Bộ Tư pháp đã cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh, đưa luật, pháp lệnh nhanh chóng đi vào cuộc sống; nhờ đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật của Việt Nam đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ghi nhận và đánh giá cao. Cụ thể, Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật của Việt Nam năm 2022 đã tăng 10 bậc (từ vị trí thứ 93 lên vị trí thứ 83) - đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam tăng hạng.

Với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực thực hiện. Bộ, ngành Tư pháp đã triển khai đồng bộ công tác cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực công tác tư pháp, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, Bộ Tư pháp được đánh giá đứng đầu Chỉ số CCHC cấp Bộ năm 2021, kết quả đó đã thể hiện sự ghi nhận những nỗ lực của Bộ Tư pháp trong việc thực hiện cải cách nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Các điểm cầu trực tuyến tham dự hội nghị

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng nhận định, trong một số trường hợp, một số bộ, ngành, địa phương còn gặp lúng túng khi áp dụng một số quy định như: phân cấp, phân quyền trong xây dựng VBQPPL chưa cụ thể, rõ ràng; chất lượng đánh giá tác động của chính sách chưa cao; ban hành VBQPPL theo trình tự thủ tục rút gọn.

Trong năm 2023, Bộ Tư pháp đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực, trong đó chú trọng tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, nhất là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện tốt các nhiệm vụ về CCHC, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đăng ký biện pháp bảo đảm… Nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật. Thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số gắn với bảo đảm an toàn thông tin mạng trong ngành Tư pháp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông đối với việc khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng như các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành Tư pháp…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022. Cơ bản thống nhất với những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2023, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Bộ cần tập trung xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ năng lực để phòng ngừa và bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, pháp luật về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật, xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát, giám sát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa năng lực, chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng thường trực cũng đặc biệt nhấn mạnh phải kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản để sớm đưa chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống.

TT

 

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây