Hội Liên hiệp phụ nữ Tây Ninh chung tay đẩy lùi nạn mua bán người

Thứ tư - 07/10/2015 08:00 26 0
Phát huy vai trò của tổ chức hội, giai đoạn 2011-2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống mua bán người, nhờ đó nhận thức của hội viên và nhân dân địa phương về công tác phòng, chống mua bán người được nâng lên, có sự chuyển biến rõ rệt trong việc tự giác phòng, chống mua bán người.

 Thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015 của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm tỉnh, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xây dựng các kế hoạch chỉ đạo Hội LHPN các cấp tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người trong các tầng lớp phụ nữ, đưa nội dung phòng, chống tội phạm mua bán người vào nội dung sinh hoạt thường xuyên ở chi, tổ Hội, qua đó giúp cán bộ Hội LHPN thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp thực hiện, giúp các tầng lớp phụ nữ nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống tội phạm mua bán người, góp phần giảm thiểu tình hình tội phạm ở địa phương nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng.

Với hình thức tuyên truyền miệng, nói chuyện chuyên đề, diễn kịch, sinh hoạt chi/tổ/nhóm phụ nữ, tổ dân cư tự quản … Hội LHPN các cấp đã tổ chức tuyên truyền được 37.421/1.184.024 lượt người dự về các nội dung như Nghị quyết số 07/ NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam về "Một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái"; Tiểu Đề án 2 về "Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua bán người qua các hoạt động truyền thông tại cộng đồng"giai đoạn 2011 – 2015; Tiểu Đề án 1 "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong cán bộ, hội viên, phụ nữ giai đoạn 2010-2015". Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật phòng, chống ma túy; Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; Luật Hôn nhân - Gia đình; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật phòng, chống mua bán người; Luật Bình đẳng giới, ...  Xây dựng xã/phường/thị trấn lành mạnh không có ma túy, mại dâm gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", các tiêu chí của xây dựng gia đình "5 không" (Không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học).

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh phát hành 52 đĩa CD có nội dung tuyên truyền về câu chuyện truyền thanh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, 13 đĩa DVD tuyên truyền phòng, chống mua bán người; biên tập và phát hành trong hệ thống Hội 330 cuốn tiểu phẩm tuyên truyền tại cộng đồng tập 1, 2, 3 có nội dung về phòng, chống tội phạm nói chung, mua bán người nói riêng đến Hội LHPN huyện/thành phố, Hội Phụ nữ Lực lượng vũ trang sinh hoạt cho hội viên, quần chúng phụ nữ chi/tổ Hội.  Từ năm 2012 đến nay, Hội LHPN tỉnh in ấn và phát hành gần 9.000 tờ rơi có nội dung phòng, chống mua bán người chuyển tải đến chi, tổ Hội phụ nữ để tổ chức truyền thông trong cán bộ, hội viên, quần chúng phụ nữ. Hội LHPN 4 xã Tân Lập (Tân Biên), Long Thuận, Lợi Thuận (Bến Cầu), Thị trấn (Gò Dầu) tổ chức tư vấn cho 386 chị có người thân trong gia đình thường xuyên đi làm ăn xa về những thủ đoạn của bọn buôn người.  

Ngoài ra, Hội LHPN xã Long Thuận, Lợi Thuận (Bến Cầu), xã Tân Lập (Tân Biên) đã tổ chức 13 Hội thi tìm hiểu về Luật bình đẳng giới, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em cho  tuyên truyền viên xã/phường/thị trấn tham dự có 1.336 lượt người dự.

Về công tác phối hợp,  năm 2011, được sự hỗ trợ của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh thực hiện dự án "Truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống buôn bán người" tại Hội LHPN xã Phan (huyện Dương Minh Châu) và Hội LHPN xã An Cơ (huyện Châu Thành). Qua giám sát, các xã phối hợp với các điểm trường triển khai tốt hoạt động truyền thông với nhiều hình thức phong phú như: tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ lưu động, diễn đàn thông qua biểu diễn các tiểu phẩm, lồng ghép tiết mục văn nghệ trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ "Trợ giúp pháp lý", "Phụ nữ 4 giảm", tổ phụ nữ tiết kiệm, góp vốn xoay vòng,... nâng cao trách nhiệm của gia đình, cán bộ, hội viên phụ nữ đối với công tác phòng, chống tội phạm trong đó quan tâm phòng, chống mua bán người, góp phần giữ gìn trật tự xã hội địa phương. Kết quả tuyên truyền được 93 cuộc/11.316 người tham dự.

Thực hiện chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương Hội, năm 2011, Hội LHPN tỉnh phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức chiến dịch truyền thông phòng, chống mua bán người tại khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài - huyện Bến Cầu có gần 1.000 người tham gia. Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN huyện/thành phố tổ chức 6 diễn đàn phòng, chống mua bán người, 9 buổi truyền thông về phòng, chống mại dâm trong cộng đồng dân cư tại các xã trọng điểm biên giới, mỗi cuộc thu hút trên 100 người dự.   Hội LHPN 5 huyện biên giới tổ chức/phối hợp tổ chức 30 buổi tọa đàm, diễn đàn về phòng, chống ma túy, mại dâm và mua bán người, cụ thể diễn đàn "Gia đình với công tác phòng, chống mua bán phụ nữ trẻ em", tọa đàm "Vai trò cha mẹ trong công tác phòng, chống ma túy", diễn đàn "Trẻ em với công tác phòng, chống ma túy, phòng chống mua bán người"; "Phụ nữ với công tác phòng, chống mại dâm"... (mỗi cuộc thu hút ít nhất 100 người dự).

Từ năm 2012 đến nay, được sự tài trợ của Tổ chức Di cư Quốc tế thực hiện dự án "Mở rộng và áp dụng mô hình nhóm tự lực" và dự án "Nâng cao năng lực hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nhóm tự lực", Hội LHPN tỉnh phối hợp Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động Thương binh và Xã hội) chọn Hội LHPN 3 xã Mỏ Công (Tân Biên), Thành Long (Châu Thành) và Thị trấn Gò Dầu (Gò Dầu) được Sở Lao động Thương binh và xã hội chọn làm địa bàn thực hiện dự án, (do tổ chức Phi chính phủ IOM tài trợ), các cấp Hội phối hợp các ngành khảo sát đối tượng là nạn nhân bị mua bán trở về tham gia vào nhóm tự lực, dự án hỗ trợ các thành viên số tiền 219 triệu đồng để chăn nuôi, sản xuất, an tâm tư tưởng, góp phần ổn định cuộc sống. Kết quả có 3 nhóm với 30 đối tượng tham gia, các chị trong nhóm tự lực được hỗ trợ vốn làm ăn (từ 5 đến 7 triệu đồng).

Ngoài ra, Hội Liên Hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp Công ty phát hành phim tuyên truyền đĩa DVD về nạn mua bán người được 23 cuộc/6.060 lượt người dự.  Giai đoạn 2011-2015, Hội LHPN huyện/thành phố cũng đã tiếp nhận 56 phụ nữ bị buôn bán trở về địa phương.

Nhằm cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người cho các tầng lớp phụ nữ và góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng mua bán người trên địa bàn tỉnh, Hội LHPN các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng và nhân rộng các câu lạc bộ truyền thông có hiệu quả ở các địa bàn biên giới như: câu lạc bộ "Phụ nữ 4 giảm", "Phụ nữ với pháp luật"; tổ "Phụ nữ không có con em vi phạm pháp luật", "Phụ nữ không có con em vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội",...

Hội LHPN xã Phan và Hội LHPN xã An Cơ phối hợp với 6 điểm trường tiểu học và trường THCS tổ chức tuyên truyền nội dung phòng, chống mua bán người thông qua các câu chuyện có thật, giúp các em hiểu được âm mưu, thủ đoạn của tội phạm, phân biệt nạn nhân và tội phạm, cảnh giác trước những hành vi lừa đảo, dụ dỗ của bọn tội phạm,…Kết quả tuyên truyền được 9 cuộc có 3.297 em học sinh và thầy cô tham dự. Riêng Hội LHPN xã An Cơ phối hợp trường THCS An Cơ và các ban, ngành liên quan tổ chức diễn đàn "Trẻ em nói về phòng, chống buôn bán người" qua 2 tiểu phẩm: "Mất cả chì lẫn chài" "Lấy chồng ngoại". Sau mỗi tiểu phẩm có bài thuyết trình để minh hoạ thêm cho tiểu phẩm. Diễn đàn đã thu hút trên 200 cán bộ, hội viên, các em học sinh, phụ huynh và nhân dân trong xã tham dự.

Phát huy từ các mô hình trên, BTV Hội LHPN tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình truyền thông ra các xã trọng điểm như: Xã Trà Vong (huyện Tân Biên); Cẩm Giang (huyện Gò Dầu) và An Hòa (huyện Trảng Bàng); Tân Thành, Suối Ngô (huyện Tân Châu),… có sự tham gia của các anh, chị tuyên truyền viên của Hội, các đồng chí cán bộ ban, ngành đoàn thể tham gia biểu diễn các tiểu phẩm như: "Tỉnh giấc mơ tiền", "Túng quá hóa liều", "Giấc mơ đổi đời", "Lỡ chuyến đò ngang", "Suýt tí nữa là...", "Vào đời", "Cảnh giác vẫn hơn",… gắn với các nội dung về âm mưu, thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người, nguyên nhân và hậu quả của mua bán người,…Ngoài các tiểu phẩm, chương trình còn được xen kẽ các tiết mục văn nghệ của Đoàn Thanh niên, học sinh làm phong phú thêm diễn đàn. Mỗi diễn đàn đã thu hút trên 200 người tham dự, gồm học sinh các trường THCS, các bậc phụ huynh, hội viên và quần chúng phụ nữ địa phương, đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống mua bán người. Qua đó, cán bộ, hội viên và quần chúng phụ nữ nâng cao ý thức cảnh giác đấu tranh phòng ngừa tội phạm và tuyên truyền, vận động, gia đình và người thân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Hội LHPN cơ sở tổ chức tư vấn cho 388 hộ gia đình có nguy cơ (có ý định gả con cho người nước ngoài) về di cư an toàn. Qua tư vấn, các gia đình nắm vững những kiến thức về phòng, chống tội phạm mua bán người, phòng ngừa, cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người, không để con em bị dụ dỗ, lừa gạt.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây