Mở rộng quan hệ quốc tế trong công tác phòng chống mua bán người

Thứ ba - 27/08/2013 00:00 124 0
Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tạo thời cơ, thuận lợi để các quốc gia phát triển kinh tế, văn hóa... Tuy nhiên, mặt trái của nó đã nảy sinh nhiều thách thức, trong đó, có vấn đề tội phạm xuyên quốc gia ngày càng phức tạp. Bên cạnh các loại tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người (MBN) cũng không ngừng gia tăng.

Nhận định về tình hình tội phạm mua bán người hiện nay, đại tá Lê Văn Chương, Phó chánh Văn phòng thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy - Bộ Công an cho biết đang có những diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng và quốc tế hóa. “Tại Việt Nam, tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu qua tuyến biên giới Việt Nam- Trung Quốc; Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia. Không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em mà cả mua bán đàn ông, trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng…” - ông Chương nói.

Sáu tháng đầu năm 2013, Cảnh sát Nga đột kích, xử lý 3 vụ, giải cứu đưa về nước 500 người Việt Nam bị lao động cưỡng bức, bất hợp pháp; Cảnh sát Malaysia đột nhập vào động Karaoke ở Thủ đô Kua - Lăm - Pơ giải cứu 23 phụ nữ Việt Nam bị bán làm gái mại dâm. Cơ quan chức năng của Việt Nam cũng phối hợp với các lực lượng của Trung Quốc, Lào, Campuchia, xác định được hơn 500 tụ điểm có dấu hiệu tội phạm mua bán người hoặc thu gom phụ nữ Việt hoạt động mại dâm.

Việc buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em cùng với việc đưa người đi dư cư trái phép là một vấn nạn mang tính toàn cầu và có chiều hướng gia tăng trên phạm vi toàn thế giới, bất chấp những nỗ lực của các quốc gia và cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn và đấu tranh loại trừ tệ nạn này.

Việt Nam là một trong những quốc gia mà các loại hình tội phạm liên quan đến buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em phát triển tương đối phức tạp. Trong những năm qua, Việt Nam đã tập trung nhiều nỗ lực trong việc đấu tranh, phòng ngừa và trấn áp đối với loại hình tội phạm trên. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước trong lĩnh vực phòng chống buôn bán người, Việt Nam đã tăng cường hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế như UNICEF, UNIAP, IOM, UNODC, ILO, ... triển khai thực hiện các chương trình, dự án quan trọng tuyên truyền phổ biến kiến thức, trấn áp loại tội phạm buôn bán người.

Việc hỗ trợ nạn nhân thông qua các dự án phối hợp với các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức Action Aid Quốc tế tại Việt Nam (AAIV); Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD); Tổ chức Di Cư Quốc Tế (IOM); Ủy ban Y tế Hà Lan tại Việt Nam (MCNV); UNICEF,..., ngày càng phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố.

Riêng Tây Ninh, Tổ chức di cư quốc tế tài trợ thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực tái hòa nhập cộng đồng cho các nhóm tự lực tại tỉnh Tây Ninh” giai đoạn 2012-2013 với tổng kinh phí 358.117.000 đồng. 6 tháng đầu năm 2013, theo thỏa thuận với tổ chức Di cư Quốc tế IMO, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tổ chức vay vốn 24 nạn nhân nhóm tự lực để thúc đẩy tái hòa nhập bền vững và kết nối chặt chẽ giữa các thành viên nhóm tự lực, với tổng số tiền 120.000.000 đồng (5.000.000 đồng/người).

Cùng với việc hợp tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, thời gian tới Việt Nam sẽ có những nỗ lực và tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người. Tổ chức triển khai có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, Thái-lan, các tổ chức quốc tế truyền thống như: UNIAP, UNICEF, IOM... Phối hợp, nghiên cứu và đàm phán, ký kết Hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam - Ma-lai-xi-a về phòng, chống MBN.

MN (ST)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây