Dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị buôn bán

Thứ sáu - 23/08/2013 00:00 57 0
Gần đây, tình trạng buôn bán trẻ em đã được các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng, coi như một vấn nạn của xã hội. Các tổ chức, địa chỉ tin cậy cũng đang vào cuộc nhằm quan tâm, hỗ trợ và giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán trẻ em được ẩn giấu dưới nhiều hình thức rất đa dạng và tinh vi, gây nhiều khó khăn cho việc giải quyết vấn nạn này.

Bằng việc lợi dụng tình trạng yếu thế của gia đình như khó khăn về kinh tế, sự thiếu hiểu biết của gia đình, những kẻ buôn bán trẻ em đã dụ dỗ, lừa gạt, đe doạ, ép buộc, bắt cóc hoặc đưa tiền cho bố mẹ hoặc những người giám hộ để đưa trẻ đi. Mục đích của chúng là đưa trẻ tới những nơi khác, thường là xa địa bàn trẻ đang ở, trong nước hoặc nước ngoài để bóc lột thân thể, sức lao động của trẻ, buộc trẻ làm mại dâm, hoặc thậm chí lấy các bộ phận cơ thể, cụ thể là nội tạng của trẻ để bán…

Buôn bán trẻ em là trái pháp luật. Dù tình trạng này có thể vẫn đang diễn ra ở bất cứ nơi đâu, nhưng không hẳn ai cũng có thể nhận biết.

Dưới đây là một số dấu hiệu đáng nghi ngờ:

- Liên quan tới điều kiện sống và làm việc:

+ Trẻ chỉ được ở, đi lại và hoạt động trong phạm vi có người khác kiểm soát, hoặc có người lạ không phải là bố mẹ đi kèm.

+ Trẻ phải làm việc những nơi mà trẻ có các dấu hiệu nợ nần tiền của chủ.

+ Một số trẻ bị bóc lột sức lao động như trẻ phải làm những công việc rất nặng nhọc như một người lớn hoặc làm việc quá số giờ cho phép nhưng lại chỉ được nhận phần lương ít ỏi, ăn uống thiếu thốn, kham khổ.

+ Làm việc trong điều kiện môi trường tồi tệ, khắc nghiệt, bị người khác khinh rẻ, sai bảo như nô lệ.

+ Trẻ buộc phải làm công việc quá sức và quá khả năng, hoặc công việc mà trẻ không muốn.

- Liên quan tới vấn đề học tập: Học tập là quyền lợi chính đáng của trẻ, tuy nhiên trẻ lại không được đến trường. Trẻ có thể tỏ bày sự mong muốn được đi học như trước kia, hoặc sợ sệt khi nói về vấn đề học tập hiện nay.

- Liên quan đến giấy tờ tuỳ thân: Phát hiện trẻ không có giấy tờ tuỳ thân khi trẻ bị lưu chuyển sang những vùng khác, hoặc đi qua biên giới. Thông thường, dấu hiệu nghi ngờ cũng có thể nhận thấy thông qua trẻ sử dụng giọng điệu khác vùng hoặc ngôn ngữ khác.

- Liên quan tới sức khoẻ thể chất: Có dấu hiệu bị đánh đập, gây thương tổn về thực thể như bị xây xước, bầm tím, chảy máu. Trên cơ thể có cả những vết thương đã cũ và những vết thương mới… Trường hợp, trẻ bị lạm dụng tình dục có thể đau và không cho ai sờ, động chạm vào vùng kín.

- Liên quan tới sức khoẻ tinh thần: Có tâm trạng lo lắng, căng thẳng khi đi cùng với người được cho là giám hộ trẻ. Trẻ có thể bị bạo hành về tinh thần như bị chửi mắng, lăng nhục bằng lời, đe doạ đến khiếp sợ…

- Liên quan tới các hoạt động tội phạm: Trẻ có thể biết hoặc không biết, nhưng vẫn buộc phải dính líu hoặc thực hiện các hành vi phạm tội hay những hành vi bất hợp pháp.

Bảo vệ những quyền cho trẻ em là trách nhiệm chung của tất cả mọi người. Không phải cứ có một trong những dấu hiệu trên là có thể khẳng định trẻ bị buôn bán, nhưng trong trường hợp thấy có những dấu hiệu nghi ngờ trên, người phát hiện có thể gọi tới số 113 hoặc đến các trụ sở công an gần nhất để trình báo.

MN (ST)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây