Không kỳ thị với người nghiện

Thứ năm - 22/08/2013 00:00 188 0
Một thời gian dài cộng đồng và xã hội coi họ là đối tượng tệ nạn, thậm chí là tội phạm, thể hiện rõ là ở chỗ các trung tâm cai nghiện bắt buộc có chế độ hoạt động như là trại giam, gia đình, cộng đồng kỳ thị đối với người nghiện. Nhiều gia đình không muốn cộng đồng biết, thậm chí che giấu, gửi con em bị nghiện ma túy đến địa bàn khác để giữ gìn uy tín, danh dự cho gia đình.

Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam nhấn mạnh: Nhà nước và xã hội rất quan tâm đến công tác cai nghiện ma túy, nhưng kết quả vẫn hạn chế, nguyên nhân cơ bản là do nhận thức chưa đúng về người nghiện.

"Đã đến lúc, chúng ta phải thay đổi căn bản nhận thức, cần coi đây như là một căn bệnh mãn tính và gia đình có trách nhiệm chính trong vấn đề này, thường xuyên giáo dục con em mình, giám sát chặt chẽ để con em không sa vào vấn đề này”, ông Đắc  nói.

Ông Đắc cho rằng, Nhà nước cần quan tâm đầu tư những trung tâm cai nghiện để đưa vào cai nghiện các đối tượng có tiền án, tiền sự, gây rối trật tự xã hội... Đồng thời, cần khuyến khích các mô hình cai nghiện tại cộng đồng, khuyến khích các tổ chức đầu tư trung tâm cai nghiện tại địa phương; có chính sách hỗ trợ, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chuyên về cai nghiện ma túy; khuyến khích sản xuất các loại thuốc cai nghiện; đổi mới hoạt động các trung tâm cai nghiện tại cộng đồng, đáp ứng được nhu cầu cai nghiện tại chỗ.

Với quan điểm là người đã từng 10 năm sử dụng ma túy, và đang làm công tác hỗ trợ người nghiện ma túy, hỗ trợ các bạn sau khi cai nghiện tại các Trung tâm 06 về hòa nhập với cộng đồng, chị Huỳnh Như Thanh Huyền chia sẻ: "sau khi được điều trị cắt cơn tại các trung tâm cai nghiện, chúng tôi mong đợi mọi người nhận thức nghiện ma túy chỉ là một căn bệnh. Quan niệm như vậy sẽ giúp xã hội giảm kỳ thị với người nghiện. Khi đó người nghiện không còn là tệ nạn, tội phạm, giúp họ tự tin hơn, nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ xã hội và cộng đồng".

“Kinh nghiệm bỏ được ma túy của tôi nói ra rất đơn giản nhưng làm không dễ. Bởi vấn đề không chỉ là điều trị cắt cơn và giữ lại lâu dài ở nơi nào đó, mà vấn đề ở chỗ khi trở về phải tái hòa nhập với cộng đồng”. chị Huyền cho biết.

Trong các chương trình cai nghiện hiện nay của các trung tâm mới chỉ quan tâm đến điều trị cắt cơn, giữ học viên trong trung tâm, thiếu mất chương trình hỗ trợ, đào tạo kỹ năng cho gia đình hỗ trợ tâm lý, giúp người nghiện tái hòa nhập với xã hội. “Chúng tôi mong đợi có quy trình chuẩn cho người nghiện heroin, ma túy đá. Hỗ trợ gia đình tạo lòng tin, giá trị sống cho người nghiện ma túy tại cộng đồng vượt qua bệnh tật”, chị Huyền cho biết.

Người nghiện đã cai tái hoà nhập cộng đồng nhưng bị bỏ rơi, buông lỏng hoặc bị hắt hủi thì rất dễ bị lôi kéo trở lại với ma túy và điều nguy hại hơn là khi tái nghiện, mức độ nghiện của họ thường nặng hơn. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm giúp đỡ, tìm kiếm việc làm ổn định cho người nghiện sau cai khi tái hoà nhập cộng đồng, xoá bỏ sự phân biệt đối xử với người đã cai nghiện để họ vui vẻ, quyết tâm làm lại cuộc đời, đoạn tuyệt với ma túy.

MN (ST)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây