Quyết tâm ngăn chặn không để ma túy lây lan vào học đường

Thứ ba - 17/09/2013 00:00 94 0
Hiện nay, ngành giáo dục - đào tạo có 14.000 cán bộ, giáo viên và nhân viên, với 200.000 học sinh, sinh viên các cấp. Với lực lượng đông đảo này đặc biệt là học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 11 trở lên chiếm tỷ lệ khá đông, đây là lứa tuổi hay tò mò, dễ bắt chước và đang có nhu cầu muốn được tìm hiểu khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống xung quanh. Do đó nếu không được giao dục đến nơi đến chốn sẽ dễ bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn nghiện hút ma tuý.

 

 

Thực hiện tốt công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong trường học, không những góp phần ngăn chặn được tình hình tội phạm có liên quan đến ma tuý mà còn có tác dụng giáo dục động viên học sinh, sinh viên tích cực tham gia công tác phòng, chống ma tuý trên phạm vi toàn xã hội một cách tích cực nhất.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị được tổ chức ngày 13/9/2013 vừa qua, ông Đổng Ngọc Lập - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Tây Ninh khẳng định: Đối với hoạt động phòng, chống và kiểm soát ma tuý học đường, những năm qua, ngành giào dục - đào tạo luôn xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò hết sức quan trọng, vì tuyên truyền đã góp phần cung cấp thông tin có định hướng giúp cho cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên hiểu biết về những tác hại khôn lường của ma tuý đối với bản thân người nghiện, gia đình và xã hội. Đây là biện pháp giáo dục tích cực giúp mọi người nhận thức đúng để phòng ngừa cho chính bản thân mình và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý không để tệ nạn này xâm nhập học đường. Với ý nghĩa đó, trong 5 năm qua ngành giáo dục - đào tạo đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức và nội dung thiết thực phù hợp với từng đối tượng và từng cấp học. Luật Phòng, chống ma tuý, các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma tuý được tuyên truyền thông qua các buổi hội nghị, hội thảo, mít tinh, diễu hành, hội thi. Quan trọng hơn nội dung phòng, chống ma tuý được lồng ghép vào các môn học chính khoá như: Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân…Bên cạnh đó, ngành còn đưa các tin, bài, ảnh tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma tuý, mại dâm lên trang thông tin điện tử tổng hợp của ngành tại địa chỉ: http://tayninh.edu.vn/ để giáo viên, cán bộ, công nhân viên và học sinh, sinh viên tìm hiểu.

Cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, ngành giáo dục - đào tạo đã chỉ đạo cho các đơn vị, trường học tổ chức cho tất cả học sinh, sinh viên ký cam kết không sử dụng, không liên quan đến ma tuý, không thử dù chỉ một lần; mở các hộp thư góp ý, tố giác tội phạm sử dụng ma tuý trong trường học, tăng cường giữ mối liên hệ và phối hợp tốt với các ngành chức năng ở địa phương để phát hiện đối tượng có liên quan đến ma tuý ngoài xã hội, kịp thời ngăn chặn ma tuý không để lây lan vào học đường.

 Bên cạnh đó, ngành giáo dục - đào tạo còn phát động các đơn vị, trường học thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua học tập tốt, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao qua các Hội thi “Tiếng hát học sinh, sinh viên tỉnh Tây Ninh”, Hội khoẻ phù đổng các cấp huyện, tỉnh theo từng năm học ..nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thể chất, tạo sân chơi bổ ích thu hút học sinh, sinh viên vào các hoạt động học tập, vui chơi, tạo ra môi trường lành mạnh nhằm tăng sức đề kháng cho các em trước những cám dỗ của tệ nạn xã hội, đồng thời qua đó tích cực tuyên truyền vận động mọi nhà, mọi người, mọi đối tượng đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên cùng tham gia phòng, chống ma tuý.

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 49-Ctr/TU ngày 14/5/2008 của Tỉnh uỷ về tăng cường sự chỉ đạo lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà đã tổ chức 327 buổi sinh hoạt ngoại khoá về chủ đề phòng, chống ma tuý đã thu hút hơn 70 ngàn lượt học sinh, sinh viên tham dự; 52 buổi tuyên truyền phòng, chống ma tuý tại các trường phổ thông với sự tham gia của 21.406 lượt giáo viên, học sinh; tổ chức 16 buổi tuyên truyền ở khối các trường chuyên nghiệp có 5.258 lượt cán bộ, giảng viên, sinh viên tham dự. Ngoài ra hàng năm ngành giáo dục đào tạo còn phối hợp với ngành công an tổ chức tập huấn công tác tuyên truyền phòng, chống ma tuý cho gần 200 cán bộ Đoàn trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là đội ngũ cán bộ nòng cốt tham gia công tác tuyên truyền trực tiếp tại các đơn vị, trường học.

Theo số liệu báo cáo của ngành, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên đã góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm và hoạt động có liên quan đến ma tuý trong học đường. Cụ thể từ năm 2008 đến nay chưa phát hiện trường hợp học sinh, sinh viên sử dụng ma tuý hoặc có liên quan đến tệ nạn ma tuý.

Ông Đổng Ngọc Lập nhìn nhận: Mặc dù công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý trong học đường đã đạt được những kết quả nêu trên, nhưng chưa vẫn chưa đáng ứng yêu cầu mong muốn của ngành, vì việc triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên đối với công tác phòng, chống ma tuý có một số đơn vị, trường học thực hiện chưa nghiêm túc, còn mang tính hình thức; ngành giáo dục - đào tạo hiện không có cán bộ chuyên trách về công tác phòng, chống ma tuý nên rất khó khăn trong việc chỉ đạo, đánh giá, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện công tác này; Kinh phí hoạt động hạn chế nên công tác tuyên truyền phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới, nhu cầu về truyền thông và tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức phòng, chống ma tuý chưa đạt hiệu quả cao; Xung quanh một số trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều điểm truy cập Internet (chủ yếu chơi game), quán cà phê, quán bi-da, quán cà phê không lành mạnh đã tác động tiêu cực đến môi trường giáo dục, học sinh dễ bị cám dỗ dẫn đến trốn học và dễ bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo tham gia vào việc hút chích ma tuý, tuyên truyền văn hoá phẩm đồi truỵ, độc hại.

   Thấy được những hạn chế, tồn tại vừa qua, trong thời gian tới ngành giáo dục - đào tạo tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma tuý trong học đường, thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng để thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt, xung kích là học sinh, sinh viên để chủ động tuyên truyền phòng, chống ma tuý tại các đơn vị, trường học. Ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, giữa nhà trường và gia đình để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các hành vi vi phạm tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma tuý trong học sinh, sinh viên. Quyết tâm ngăn chặn không để ma tuý lây lan vào học đường.

Nhật Quang

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây