Tăng cường phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia

Thứ năm - 22/10/2015 11:00 63 0
Trong 5 năm (2011-2015 ), thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện không uống rượu, bia trong giờ làm việc, hằng năm, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, địa phương đã tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ký cam kết không uống rượu, bia trong những ngày làm việc, đồng thời đưa tiêu chí ATGT vào thang điểm xét thi đua, khen thưởng cuối năm của đơn vị, địa phương.

giao_thong_doanhnghiepvn.vn.jpg 

Ảnh minh họa

Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo xử lý chuyên đề về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dựng rượu, bia. Gửi các thông điệp tuyên truyền về nồng độ cồn, tốc độ, mũ bảo hiểm, tải trọng xe đến đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh để tuyên truyền trên Đài. Tổ chức in, cấp phát 206.000 áp phích, tờ rơi nội dung tuyên truyền về rượu, bia, tốc độ, mũ bảo hiểm, tải trọng xe... để tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Hàng quý soạn thảo tài liệu tuyên truyền về ATGT với từng chủ đề cụ thể gửi các cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố để sinh hoạt, quán triệt trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên và nhân dân.

Sở Thông tin và Truyền thông có văn bản chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT, trong đó tập trung tuyên truyền tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và an toàn giao thông, nguy cơ và hậu quả TNGT nguyên nhân từ rượu, bia, các quy định của pháp luật về xử phạt đối với lái xe uống rượu, bia...

Công an tỉnh phối hợp với đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng 05 phóng sự tuyên truyền về nồng độ cồn, phối hợp với ngành Văn hóa xây dựng 18 tiểu phẩm (dựng thành video clip và nhân bản 2.600 đĩa DVD), nội dung tuyên truyền về nồng độ cồn, tránh vượt, tốc độ, đi không đúng làn đường, phần đường quy định cũng như mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm này, chiếu tại nơi xử phạt, đăng ký xe, các cửa hàng, tiệm, quán ăn, uống...trên địa bàn tỉnh. In ấn, cấp phát 75.915 tờ rơi chủ đề về nồng độ cồn, mũ bảo hiểm, chuyển hướng, tải trọng xe...để tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Trang bị đủ máy đo nồng độ cồn cho lực lượng Cảnh sát giao thông (100 máy), đồng thời có nhiều văn bản chỉ đạo phòng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thành phố tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Kết quả, đã xử lý 84.273 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn (ôtô 521; môtô 83.752) với tổng số tiền phạt là 62.8 tỷ đồng.

Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan thành viên tăng cường tuyên truyền tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và an toàn giao thông, tổ chức treo, gắn băng ron, panô, khẩu hiệu nội dung "Tính mạng con người là trên hết - Đã uống rượu, bia thì không lái xe" trên các tuyến giao thông chính, chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn.

Theo đánh giá của lực lượng Cảnh sát giao thông, việc xử lý đối tượng vi phạm nồng độ cồn là rất khó khăn, phức tạp, tốn kém thời gian, đa số các đối tượng thường không hợp tác với lực lượng làm nhiệm vụ. Một số đối tượng có những lời nói, hành động, cử chỉ xúc phạm, thậm chí lăng mạ hoặc chống đối lại lực lượng thực thi công vụ. Lực lượng làm nhiệm vụ phải rất bình tĩnh, kiên trì, xử lý tình huống khôn khéo. Không nhất thiết trường hợp nào say rượu, bia cũng phải lập biên bản, cũng có những trường hợp nhắc nhở và đưa người say rượu, bia về tận nhà an toàn (khi được đưa về nhà như thế gia đình người vi phạm và người dân sống xung quanh rất cảm kích về hành động của lực lượng Cảnh sát giao thông và có sự đồng thuận cao).

Công tác tuyên truyền pháp luật với ATGT nói chung, tuyên truyền về rượu, bia nói riêng đã được các ngành, các cấp triển khai thực hiện rất tốt và đồng bộ. Nổi bật là cơ quan Báo, Đài, đặc biệt là hệ thống phát thanh xã, phường, thị trấn. Một số địa phương (huyện, thành phố) đã có nhiều sáng kiến, hình thức tuyên truyền rượu, bia đạt hiệu quả như vận động các quán nhậu, cửa hàng ăn uống treo khẩu hiệu "Đã uống rượu, bia thì không lái xe ", treo trong quán, cửa hàng, ký cam kết không bán thêm rượu bia cho khách đã say; một số chủ cửa hàng còn bố trí người chưa uống rượu, bia chở khách đã uống rượu, bia say về nhà đảm bảo an toàn hoặc giữ xe để khách đón taxi về nhà ...

Chính sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị (Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBMTTQ, UBND các địa phương, lãnh đạo các sở, ban,  ngành, đoàn thể...) đã tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Cảnh sát giao thông thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là xử lý lỗi rượu, bia được quần chúng nhân đồng tình ủng hộ.

LL

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây