Tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về được học nghề

Thứ ba - 27/08/2013 00:00 56 0
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng. Hỗ trợ học nghề cho nạn nhân bị mua bán trở về là một trong những chính sách thể hiện tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta nhằm giúp nạn nhân bị mua bán trở về có cuộc sống ổn định.

Tại khoản 2, điều 37 về hỗ trợ học văn hóa, học nghề, Luật Phòng chống mua bán người năm 2011 (được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ chín ngày 29/3/2011) quy định: nạn nhân khi trở về địa phương, nếu thuộc hộ nghèo thì được xem xét hỗ trợ học nghề.

Theo Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người vừa được Chính phủ ban hành, nạn nhân có nhu cầu học nghề thì được hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Mức hỗ trợ theo chi phí đào tạo nghề tương ứng tại các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương. Đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu theo mức do Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

Thực tế, hiện nay, đa số nạn nhân bị mua bán có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm do không tìm được công việc phù hợp ở địa phương hoặc do tình trạng sức thiếu, mất đất sản xuất, thiếu chỗ ở, bị bệnh tật, sức khoẻ yếu hoặc gặp các khó khăn khác như thiếu giấy tờ tuỳ thân, gia đình không ổn định...Vì vậy, nạn nhân bị mua bán trở về rất cần sự hỗ trợ ban đầu (một lần) để họ có điều kiện sớm ổn định cuộc sống.

            Trong thời gian qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của một số tỉnh, thành đã thực hiện chế độ hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân lưu trú tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân hoặc đã trở về gia đình.

            Công tác này đã phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng nạn nhân bị mua bán trở lại do thiếu việc làm, không có thu nhập hoặc do hạn chế về trình độ văn hoá, nhận thức.

Tuy nhiên, các chương trình, dự án hỗ trợ học nghề được triển khai tại nhiều địa phương không mang tính bền vững khi mà thời gian triển khai dự án ngắn, đối tượng hưởng lợi bị hạn chế. Khi dự án kết thúc thì các đối tượng không thể tự lập cho cuộc sống của mình. Hoặc có những chương trình như đào tạo nghề lại chưa xem xét tới yếu tố phù hợp của nghề đào tạo với điều kiện thực tế của địa phương nên học viên sau khi được đào tạo cũng không thể vận dụng để sinh sống. Hơn nữa, nạn nhân bị buôn bán chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thái độ, kiến thức và hành vi của cộng đồng đối với họ.

Chính vì thế, để nạn nhân bị mua bán trở về ổn định cuộc sống thì trong khâu đào tạo nghề cần có chính sách đào tạo phù hợp với từng địa phương. Bên cạnh đó, ngoài việc tập trung vào nạn nhân thì cần có những hoạt động vào cộng đồng nơi nạn nhân sinh sống để nạn nhân có thêm động lực vượt qua mọi khó khăn và tránh xa tệ nạn mua bán người.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây