Truyền thông trong công tác phòng ngừa mua bán người

Thứ sáu - 24/10/2014 00:00 23 0
Luật Phòng, chống mua bán người (PCMBN) dành toàn bộ Chương II gồm 12 điều để quy định về việc phòng ngừa mua bán người.

 

Phiên toà xét xử các bị cáo phạm tội mua bán trong phiên xử ngày 6.8.2014 tại người tại TAND tỉnh Tây Ninh.

Nội dung quy định được chia thành 02 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 05 điều (từ Điều 7 đến Điều 11) quy định về các biện pháp phòng ngừa chung. Nhóm thứ hai gồm 07 điều (từ Điều 12 đến Điều 18) quy định về các biện pháp phòng ngừa thông qua hoạt động của các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ; nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo; cơ quan thông tin đại chúng; sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận cũng như sự tham gia của cá nhân và gia đình trong công tác phòng ngừa mua bán người.

Đối với công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người, mục đích của biện pháp này nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng đối với công tác phòng, chống mua bán người, về mối hiểm họa của mua bán người, làm cho mọi người đề cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống mua bán người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân bị mua bán. Bên cạnh đó, công tác tư vấn về phòng ngừa mua bán người là biện pháp cụ thể hoá biện pháp thông tin, tuyên truyền, giáo dục đối với từng đối tượng nhằm cung cấp cho họ những thông tin thiết thực, giúp họ giải quyết những tình huống cụ thể, trong đó tập trung vào một số đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm về mua bán người.

Quản lý về an ninh, trật tự cũng là một trong những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhằm hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến nguy cơ mua bán người không chỉ trong nội địa mà cả khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển. Xuất phát từ nhận thức có một số lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ rất nhạy cảm, dễ có nguy cơ bị lợi dụng để mua bán người, Điều 10 của Luật PCMBN xác định rõ phải quản lý, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ đối với các hoạt động hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; cho, nhận con nuôi; giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài; tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; dịch vụ văn hoá, du lịch và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.

Lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội là biện pháp nhằm góp phần hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện của tình trạng mua bán người là phải phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện có hiệu quả chính sách xoá đói, giảm nghèo, chính sách việc làm, .... nhằm nâng cao đời sống nhân dân.

Xuất phát từ nhận thức trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người thì mỗi cá nhân, gia đình có vai trò quan trọng, phải tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc phòng ngừa để không trở thành nạn nhân bị mua bán, đồng thời, cũng cần có trách nhiệm trong việc phòng ngừa tội phạm này, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống. Do đó, cá nhân tham gia các hoạt động phòng ngừa mua bán người kịp thời báo tin, tố giác, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên là một trong những đối tượng mà công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người hướng trọng tâm đến. Do vậy, Điều 14 của Luật PCMBN xác định việc nhà trường, cơ sở giáo dục đào tạo tham gia tích cực vào công tác phòng ngừa mua bán người nói chung và công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nói riêng là hết sức quan trọng.

Thực tiễn trong thời gian qua, bọn tội phạm thường lợi dụng sơ hở trong một số lĩnh vực hoạt động để mua bán người, như: hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hoá, du lịch, ......vì thế, để ngăn ngừa có hiệu quả việc mua bán người, các cơ quan thông tin đại chúng có vai trò quan trọng trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống mua bán người, vì đây là một kênh quan trọng tác động trực tiếp tới ý thức của từng người dân trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và mua bán người nói riêng. Cùng với các cơ quan nhà nước, các đoàn thể xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người, đặc biệt là trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về phòng, chống mua bán người cũng như công tác hỗ trợ nạn nhân. Vì vậy, để ghi nhận vai trò của các đoàn thể xã hội cũng như tạo cơ chế pháp lý để các đoàn thể tham gia tích cực vào công tác phòng, chống mua bán người, Luật PCMBN đã dành 02 điều quy định về sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong công tác phòng ngừa mua bán người.

Tây Ninh là một trong những tỉnh biên giới giáp Campuchia. Vừa qua, hai nước Việt Nam - Campuchia đã ký kết Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung Hiệp định Việt Nam - Campuchia về phòng chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán. Đây là hành động có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần làm suy giảm tình hình mua bán người tuyến đường Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới. Trong công tác truyền thông phòng, chống mua bán người, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông phòng, chống mua bán người cho cán bộ đại diện Hội LHPN các huyện, xã biên giới trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao kiến thức phòng, chống mua bán người đồng thời hướng dẫn các kỹ năng, phương pháp truyền thông phòng, chống mua bán người như kỹ năng tư vấn, giao tiếp, lắng nghe, trình bày, đặt câu hỏi, kỹ năng động não, sinh hoạt cộng đồng... để ứng dụng tại địa phương.

T.Giang

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây