Ban Điều hành Dự án BMGF-VN: Chú trọng công tác truyền thông và đào tạo

Thứ ba - 23/07/2013 00:00 39 0
Để nâng cao chất lượng phục vụ tại các điểm thư viện công cộng (TVCC) và Bưu điện văn hoá xã (BĐVHX), Dự án BMGF-VN sẽ triển khai đào tạo cho 2.700 cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác tại các TVCC và BĐVHX, từ đó góp phần đảm bảo duy trì bền vững các kết quả của Dự án.

Dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam” (BMGF-VN) do Quỹ Bill and Melinda Gates tài trợ và được Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì hối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng với các bộ ngành liên quan và UBND các tỉnh triển khai thực hiện với mục tiêu tập trung vào việc hỗ trợ người dân nghèo, nhóm thiệt thòi và những người sống ở vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội được tiếp cận bình đẳng, hiệu quả và bền vững với công nghệ thông tin cũng như được hưởng những lợi ích kinh tế xã hội mà việc tiếp cận công nghệ thông tin mang lại. Từ đó họ có thể cải thiện cuộc sống cá nhân, đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Hiện nay, Dự án đang triển khai bước một tại 12 tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tỉnh, Đắc Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh. Bước đầu Dự án đã đem lại hiệu quả xã hội tích cực trong việc giúp người dân ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa từng bước được tiếp cận với công nghệ thông tin.

Tại Tây Ninh, Dự án được khởi động từ năm 2012, đã trang cấp 40 máy vi tính cho Thự viện tỉnh, thư viện 9 huyện, thị, mỗi đơn vị 10 máy, 20 TVCC và 24 điểm BĐVHX mỗi nơi 5 máy tính.

Bên cạnh việc cung cấp trang thiết bị, Dự án còn có các hoạt động khác nhằm thu hút người dân đến sử dụng dịch vụ. Trong đó đào tạo là một trong các hợp phần quan trọng nhất của Dự án với kế hoạch và chương trình đào tạo được thiết kế phù hợp với từng nhóm đối tượng và mục tiêu của Dự án. Đối tượng đào tạo chính là các cán bộ, nhân viên của hệ thống TVCC và BĐVHX. Mục tiêu là giúp họ nâng cao năng lực để hoàn thành nhiệm vụ, từ đó hiện thực hoá tầm nhìn đặt ra là đưa nơi đây trở thành các “Ngôi nhà văn hoá”, là trung tâm văn hoá và học tập tại địa phương. Các nhân viên của TVCC các cấp và điểm BĐVHX đều được cung cấp những kỹ năng cơ bản về máy tính và internet, các dịch vụ mới để cung cấp thông tin cũng như các kỹ năng về truyền thông vận động và đánh giá tác động của Dự án.

Trong bước 1 của Dự án đã tổ chức được 51 khoá học cho 965 học viên với tổng số lượt đào tạo lên đến 3.800 lượt. Tây Ninh đã tổ chức 3 khoá đào tạo cho cán bộ phụ trách thư viện và điểm BĐVHX, với gần 150 lượt người tham dự. Tuy có trình độ còn hạn chế, thậm chí có người trước khi tham dự các lớp tập huấn chưa hiểu nhiều về máy vi tính, nhưng sau các khoá đào tạo, họ đã sẵn sàng hơn để hướng dẫn cho người dân sử dụng máy tính và internet, cung cấp một số dịch vụ thông tin mới tại điểm TVCC và BĐVHX. Họ cũng có thể phối hợp với Dự án triển khai một số hoạt động truyền thông vận động để quảng bá về các dịch vụ mới, thu hút người sử dụng.

Để Dự án tiếp tục đem lại những hiệu quả xã hội tích cực, việc đẩy mạnh công tác truyền thông cũng như hoạt động tập huấn đào tạo cho cán bộ các điểm BĐVHX và TVCC thụ hưởng Dự án vẫn là vấn đề được Ban Điều hành Dự án quan tâm hàng đầu. Các cán bộ TVCC, BĐVHX đều mong muốn được tiếp cận với những kiến thức mới, giúp họ hướng dẫn bà con sử dụng máy tính tốt hơn.

Theo kế hoạch đặt ra, đến năm 2016, chương trình đào tạo sẽ được triển khai ở 40 tỉnh tham gia dự án. Sẽ có 200 cán bộ thư viện cấp tỉnh được đào tạo để có thể triển khai các dịch vụ sử dụng máy tính truy nhập công cộng cho người dân và tổ chức đào tạo tiếp tục cho cán bộ TVCC và điểm BĐVHX và người sử dụng tại các Trung tâm đào tạo của Thư viện tỉnh; 756 cán bộ thư viện cấp huyện và 1.572 cán bộ BĐVHX và thư viện xã được đào tạo để có thể triển khai các dịch vụ sử dung máy tính cho người dân địa phương và hướng dẫn họ sử dụng các dịch vụ mới. 172 cán bộ quản lý và nhân viên các cơ quan có liên quan được đào tạo năng lực quản lý để hỗ trợ các chương trình sử dụng máy tính.

NQ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây