Từ 1/5, nhân viên y tế thôn, bản sẽ được hưởng phụ cấp lương

Thứ ba - 23/04/2013 00:00 140 0
Từ ngày 1/5/2013, đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản nói chung và cô đỡ thôn bản nói riêng sẽ chính thức được hưởng chế độ phụ cấp mức 0,3 và 0,5 so với mức lương tối thiểu chung theo quy định của Nhà nước và trợ cấp thêm hằng tháng (nếu có) từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác; đồng thời được trang bị các thiết bị, dụng cụ y tế theo danh mục do Bộ Y tế quy định.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ĐP

 

 

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị quốc tế triển khai Thông tư số 07/2013/TT-BYT ngày 8/3/2013 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản diễn ra ngày 23/4 tại Hà Nội.

Trên cơ sở Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản và Thông tư số 39/2010/TT-BYT ngày 10/9/2010 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản, trong 2 năm qua, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đã sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 với mục đích có thể chính thức công nhận cô đỡ thôn, bản là một chức danh cán bộ y tế, là một loại hình nhân viên y tế thôn bản, được hưởng phụ cấp như quy định của Thủ tướng đối với nhân viên y tế thôn, bản.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, từ năm 1998 đến nay, đã có khoảng 1.300 cô đỡ thôn, bản được các chương trình, dự án khác nhau đào tạo như: Bệnh viện Từ Dũ, dự án UNFPA, dự án Giảm tử vong mẹ do Hà Lan tài trợ, dự án UNICEF, WHO, Pathfinder, dự án mục tiêu quốc gia về sức khỏe sinh sản. Tính đến nay, có khoảng 80% số này đang làm việc và có những đóng góp không nhỏ vào công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, góp phần giảm tai biến sản khoa tại cộng đồng. Vai trò và hiệu quả của nhóm cô đỡ thôn, bản trong những năm vừa qua đã được chính quyền địa phương, lãnh đạo ngành y tế các tỉnh có cô đỡ ghi nhận trong nhiều hội thảo và báo cáo hàng năm.

Tuy nhiên, các cô đỡ chưa có chức danh chính thức trong hệ thống y tế, chưa có nguồn phụ cấp chính thức, không được phân công, giám sát hỗ trợ, không được sinh hoạt chuyên môn với trạm y tế xã,… nên nhiều cô đỡ đã bỏ nghề. Một số ít cô đỡ thôn, bản được các chương trình, dự án hỗ trợ để duy trì hoạt động nhưng không thường xuyên và với số tiền rất ít (như dự án Mục tiêu quốc gia về Sức khỏe sinh sản hỗ trợ 50 ngàn đồng/tháng, Bệnh viện Từ Dũ hỗ trợ 100 ngàn đồng/tháng…).

Cũng theo khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, Thông tư số 07/2013/TT-BYT ra đời sẽ chính thức đưa Cô đỡ thôn bản là một chức danh trong hệ thống y tế Việt Nam, là một loại hình của nhân viên y tế thôn, bản được hưởng phụ cấp theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, cũng nhằm động viên, ổn định đội ngũ Cô đỡ thôn bản đã được đào tạo tiếp tục tham gia hoạt động cung cấp các dịch vụ theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng còn tồn tại phong tục đẻ tại nhà; góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh, giảm tai biến sản khoa tại cộng đồng.

Còn theo ý kiến của bà Mandeep K.O’Brien, Quyền Trưởng đại diện UNPA Việt Nam, Thông tư mà Bộ Y tế công bố ngày hôm nay là một nỗ lực lớn trong việc tăng cường tiếp cận phổ cập đến các dịch vụ chăm sóc y tế, bao gồm sức khỏe sinh sản ở những vùng xa xôi và vùng núi ở Việt Nam. Bà nhấn mạnh, đầu tư cho nhân lực y tế, đặc biệt ở tuyến thôn, bản là một trong những sự đầu tư đúng đắn nhất mà một quốc gia có thể thực hiện.

Một điều rất quan trọng là cần đảm bảo vị thế, vai trò của cán bộ y tế thôn bản, trong đó có cô đỡ thôn, bản người dân tộc. Nếu các nhân viên y tế này có đủ các điều kiện làm việc tối cần thiết, được cung cấp các dụng cụ, vật tư y tế và thuốc thiết yếu, có hệ thống y tế tuyến trên hỗ trợ về mặt chuyên môn, cấp cứu sản khoa, bao gồm cả chuyển tuyến, chúng ta sẽ không chỉ cứu sống được tính mạng của các bà mẹ, trẻ sơ sinh, mà còn có thể cải thiện được kinh tế và xã hội của cả quốc gia./.

Cô đỡ thôn bản là một loại hình nhân viên y tế phù hợp với các vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận với hệ thống y tế do khó khăn về địa lý và khác biệt phong tục tập quán. Trong những năm qua, đội ngũ này đã có đóng góp tích cực vào việc xóa bỏ rào cản văn hóa và ngôn ngữ giữa người cung cấp dịch vụ và người dân; góp phần tăng cường tính sẵn có của dịch vụ Làm mẹ an toàn, giảm sự bất bình đẳng của người dân trong tiếp cận đến dịch vụ y tế, đóng góp vào việc giảm tử vong mẹ và sơ sinh tại các vùng miền núi khó khăn của Việt Nam. Mô hình trên cần tiếp tục được duy trì và nhân rộng trong thời gian tới…

                                                     Trích Báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế)

Theo cpv.org.vn

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây