Hội nghị cho ý kiến thông qua Báo cáo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ tư - 06/04/2022 19:00 205 0
Sáng ngày 06/4, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chủ trì hội nghị cho ý kiến thông qua Báo cáo giữa kỳ về công tác này. Hội nghị kết nối trực tuyến với các chuyên gia và nhà khoa học tại các điểm cầu.


Cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Đài Thy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Võ Đức Trong - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng, Trần Văn Chiến, các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh và đơn vị tư vấn.


Đại diện đơn vị tư vấn trình bày dự thảo báo cáo

Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu của tỉnh hướng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình của cả nước (bình quân đạt trên 7%/năm), GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 4.500 USD năm 2025 và đạt trên 7.500 USD vào năm 2030, đơn vị tư vấn đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng cho tỉnh. Để đạt được mức tăng trưởng, đơn vị tư vấn đưa ra các yêu cầu về nguồn lực tương ứng (như về vốn đầu tư toàn xã hội, nhu cầu đất công nghiệp tăng thêm, nhu cầu về lao động...).

Về định hướng phát triển các ngành kinh tế, đơn vị tư vấn đề xuất cần khuyến khích thu hút đầu tư vốn và công nghiệp để làm kinh tế nông nghiệp tạo ra sản phẩm cho giới trung lưu và xuất khẩu; khuyến khích thâm canh tạo giá trị sản phẩm cao hơn, kết hợp với dịch vụ. Công nghiệp khai thác thế mạnh tài nguyên của tỉnh là nước và năng lượng; từng bước thu hút các ngành công nghiệp ít thâm dụng đất đai và lao động, chủ yếu dựa vào vốn và công nghệ. Dịch vụ cần bổ sung thêm sản phẩm và dịch vụ mới có tính lan tỏa để kích thích lưu trú, lữ hành, từng bước phát triển các dịch vụ xã hội khác. Tựu chung, ý tưởng "Tây Ninh xanh" được đơn vị tư vấn định hướng trong các đề xuất phát triển của tỉnh ở các ngành, lĩnh vực, nhất là với du lịch để hướng đến sự phát triển bền vững.

Góp ý với hội nghị, đồng chí Lê Văn Thụy - Phó Vụ trưởng Vụ quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, tỉnh đang thực hiện đúng quy trình trong công tác lập quy hoạch và đề xuất. Để báo cáo giữa kỳ tốt hơn, đơn vị tư vấn nên cân đối, chỉnh sửa, hoàn thiện kết cấu với một số nội dung đề mục theo đúng quy định. Trong đánh giá hiện trạng, việc phân bổ không gian theo từng ngành, từng vùng chưa xác định rõ điểm nghẽn của địa phương trong giai đoạn 2021 - 2030 để xác định tồn tại, hạn chế và đề ra định hướng phát triển Tây Ninh xanh. Cần làm rõ đột phá chiến lược gắn với tăng trưởng, xác định rõ kịch bản nào là phù hợp trong các kịch bản được đề xuất, đảm bảo cân đối nguồn lực để thực hiện được quy hoạch với tính khả thi cao và quan trọng hơn cả là sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy hoạch. Về các nhiệm vụ trọng tâm, báo cáo dự kiến đưa ra 11 chương trình đột phá chiến lược trong giai đoạn tới là quá nhiều, cần rà soát lại và lựa chọn một số lĩnh vực trọng tâm để tổ chức thực hiện đạt kết quả hơn.

Phó Vụ trưởng Lê Văn Thụy còn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, các địa phương phải tự định hướng phát triển cho ngành, địa phương mình đồng thời rà soát các nội dung được tư vấn để có quyết định phù hợp; phấn đấu thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch trong năm 2022. Nếu theo đúng tiến độ, đến tháng 8, tỉnh sẽ trình hội đồng thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cũng góp ý về kịch bản tăng trưởng, PGS.TS Trần Hoàng Ngân và TS Dư Phước Tân - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, báo cáo đưa ra 3 kịch bản lạc quan nhất (bao gồm kịch bản tăng trưởng cao, rất cao và tham vọng). Điều này thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc phấn đấu đạt được kết quả cao nhất trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, có những tác động từ bên ngoài mà địa phương không thể kiểm soát được như tình hình dịch bệnh Covid-19. Do vậy, trong các kịch bản dự báo, thông thường phải có kịch bản thấp (khi gặp rủi ro), kịch bản cao (khi gặp thuận lợi) và kịch bản trung bình (không thuận lợi cũng như không rủi ro) để từ đó áp dụng các chương trình, giải pháp và công trình đầu tư tương ứng với từng hoàn cảnh. Đồng ý kiến với Phó Vụ trưởng Lê Văn Thụy, tỉnh nên giới hạn số lượng chương trình đột phá, do nếu đưa quá nhiều chương trình sẽ không còn ý nghĩa mang tính đột phá nữa.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ - Trưởng khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh đề xuất tỉnh xem xét khả năng phát triển mô hình du lịch kết hợp/tổ hợp nhiều loại hình hơn là quy hoạch nhiều loại hình du lịch riêng biệt. Khi phát triển các kế hoạch du lịch đề nghị tỉnh chú ý nhiều hơn đến sự tham gia và được hưởng lợi (trực tiếp hoặc gián tiếp) của người dân địa phương.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến góp ý vào báo cáo


Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong góp ý vào báo cáo


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng góp ý vào báo cáo

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh cũng góp ý nhiều vào các kịch bản tăng trưởng được đề xuất trong báo cáo, cần đảm bảo tăng trưởng phải hài hòa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, so với cả nước phải trên trung bình để có sự bức phá và cần đưa ra giải pháp phù hợp với kịch bản đó.


Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng góp ý kiến vào báo cáo

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng cơ bản thống nhất với báo cáo giữa kỳ lần này, đặc biệt là báo cáo đã thể hiện được các quan điểm, định hướng lãnh đạo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần xem lại mục tiêu phát triển và một số giải pháp đặt ra. Trong 3 kịch bản đưa ra, đơn vị tư vấn chưa định hướng tỉnh nên theo kịch bản nào. Các giải pháp đột phá cũng cần được thể hiện rõ hơn.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc kết luận, định hướng một số nội dung cần bổ sung vào báo cáo

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, báo cáo đã gợi mở định hướng phát triển cho Tây Ninh trong thời gian tới, Ban chỉ đạo tỉnh cơ bản thống nhất với báo cáo giữa kỳ của đơn vị tư vấn, nhất là về định hướng không gian phát triển, các vùng - trục phát triển đã bám sát quy định, trình tự thực hiện quy hoạch, nhiệm vụ lập quy hoạch, có tính khoa học, sát tình hình thực tế của địa phương.

Để bảo đảm chất lượng quy hoạch của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia, các ý kiến gợi mở của lãnh đạo UBND tỉnh.

Trong đó, cần quan tâm thêm đến 5 yếu tố, tiếp tục xác định đầy đủ hơn, rõ hơn về tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhất là lợi thế so sánh với các tỉnh, thành phố lân cận; nhận diện rõ hơn những bất cập, điểm nghẽn, thách thức lớn mà Tây Ninh đã, đang và sẽ phải đối mặt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội để có giải pháp; tiếp tục nghiên cứu để xác định đúng định hướng trụ cột phát triển mang tính đột phá của địa phương; nghiên cứu, đề xuất phương thức huy động nguồn lực để hiện thực hóa quy hoạch. Trên cơ sở tiềm năng lợi thế, cơ hội, thách thức trong thời kỳ lập quy hoạch, hoàn thiện, đề xuất cho tỉnh các kịch bản tăng trưởng ở các cấp độ khác nhau, kèm theo đó là các giải pháp để thuận lợi cho công tác lãnh đạo, điều hành, nhưng tuyệt đối không thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Về một số định hướng cụ thể ở các lĩnh vực, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần có mục tiêu phát triển cụ thể, tập trung vào trọng tâm ưu tiên phát triển cùng giải pháp, nguồn lực đi kèm để thực hiện. Cụ thể như đồng bộ hạ tầng giao thông, đề xuất các loại hình giao thông hiện đại, văn minh; hoàn thiện chất lượng giao thông nội tỉnh, hình thành giao thông vành đai biên giới, khai thác tối đa các cửa khẩu; hoàn thiện các tuyến đường kết nối lan tỏa các thành phố, tỉnh lân cận.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị tư vấn cần xác định trục đô thị trung tâm, trục đô thị vệ tinh mang tính lan tỏa; nghiên cứu phát triển thêm các khu đô thị mới có diện tích lớn. Cần đánh giá lại dư địa của Tây Ninh trong phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến và tự động hóa. Nông nghiệp theo hướng gia tăng chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng, đẩy mạnh xuất khẩu, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với phát triển du lịch. Xác định vị trí du lịch của Tây Ninh trong bản đồ du lịch cả nước, xác định rõ các loại hình du lịch đặc thù của tỉnh, không dàn trải mà đi vào tinh túy nhất, kết nối du lịch nội tỉnh và du lịch các khu vực trong vùng để gia tăng giá trị, tạo sự phát triển cho tỉnh trong giai đoạn tới.

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây