Quang cảnh phiên giải trình
Đồng chí Nguyễn Thành Tâm – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên giải trình.
Đồng chủ trì có các phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đài Thy và Nguyễn Thanh Phong. Cùng tham dự có đồng chí Hoàng Thị Thanh Thúy – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Về phía UBND tỉnh, tham dự có đồng chí Võ Đức Trong – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Báo cáo tại phiên giải trình, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Phạm Văn Tâm cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh luôn quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong đó có tỷ lệ bao phủ BHYT nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bên cạnh việc thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tham gia BHYT, tỉnh còn quan tâm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm tại các cơ sở y tế; triển khai thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Theo thống kê, số người tham gia BHYT từ năm 2019 – 2021 đều tăng. Năm 2021, số người tham gia BHYT 1.039.904 người, tăng so với năm 2019 gần 89.000 người, trong đó, tăng nhiều là nhóm tham gia theo hộ gia đình, cận nghèo và lực lượng lao động tham gia ngoài tỉnh.
Tuy vậy, từ năm 2019 đến năm 2021, chưa năm nào tỉnh đạt chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT đề ra. Cụ thể, năm 2019, tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 84,44% (kế hoạch UBND tỉnh giao 85,5%); năm 2020, đạt 85,89% (kế hoạch UBND tỉnh giao 90%); năm 2021 đạt 88,75% (kế hoạch UBND tỉnh giao 90%). Riêng năm 2022, đến 31/8, tỷ lệ này đạt 86,63%, ước đến cuối năm 2022 đạt 91,5% bằng so kế hoạch tỉnh giao.
Công tác thực hiện chính sách BHYT trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, tuy vậy, vẫn còn không ít khó khăn. Đó là một số xã, phường đã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giảm tỷ lệ người dân tham gia BHYT so với chỉ tiêu đề ra (27/42 xã, phường đặt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giảm chỉ tiêu BHYT). Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng trưởng chậm, nhất là BHYT hộ gia đình vẫn giảm so với thời điểm cuối năm 2021. Việc khai thác, phát triển người tham gia BHYT hộ gia đình còn hạn chế, số người tham gia BHYT hộ gia đình dừng không tiếp tục tham gia có xu hướng tăng. Ngoài ra, những bất cập trong công tác khám chữa bệnh BHYT, thanh quyết toán kinh phí khám chữa bệnh BHYT cũng là hạn chế đáng quan tâm.
Các đại biểu đặt ra nhiều vấn đề, đề nghị làm rõ hơn số liệu tham gia BHYT thời điểm cuối năm nay; chế tài nào dành cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp không đóng BHYT cho người lao động; nguyên nhân chủ quan của việc thiếu thuốc BHYT ảnh hưởng đến quyền lợi được chăm sóc sức khỏe của người dân; ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục khám chữa bệnh BHYT hạn chế việc người dân phải chờ lâu, mất thời gian, việc kết nối dữ liệu trong khám chữa bệnh như thế nào; danh mục dịch vụ kỹ thuật thanh toán BHYT hiện nay so với điều kiện cơ sở vật chất hiện nay đã tương xứng chưa, đề xuất kiến nghị; vấn đề mua thẻ BHYT tại trường học…
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Văn Tâm giải trình, số người tham gia BHYT đến nay 1.033.000 người, ước đến hết năm đạt 87,81%; học sinh đạt gần 95%, phần còn lại sẽ tiếp tục vận động. Ngoài xử lý hành chính, nếu trường hợp trốn đóng BHYT cho người lao động của doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ khởi tố hình sự để tăng tính răn đe.
Phó Giám đốc Sở Y tế Đỗ Hồng Sơn thông tin, Sở sẽ cố gắng đến cuối tháng 1/2023 hoàn thành việc chấm thầu để có thuốc và vật tư y tế phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh BHYT. Vấn đề thiếu cơ chế là mấu chốt trong thanh toán thuốc cho người dân, cơ quan trung ương liên quan chưa thống nhất hướng giải quyết. Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, thủ tục khám chữa bệnh có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT là như nhau, có tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhưng công tác này có một số vướng mắc như một số thẻ BHYT đã đổi sang mã ký tự số nhưng chưa đồng bộ gây khó khăn trong việc tra cứu thông tin khám bệnh, chữa bệnh cho người dân; do dữ liệu dân cư chưa đồng bộ, nên việc tiếp nhận bằng CCCD có gắn chíp gây khó khăn cho việc tra cứu dữ liệu thông tin bệnh nhân, hoặc liên quan đến thiết bị quẹt thẻ.
Trao đổi thêm tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong đề cập đến 3 tồn tại về công tác bao phủ BHYT, bao gồm, sau dịch Covid-19 dù việc phục hồi kinh tế nhanh nhưng đời sống người dân vẫn còn bị tác động ảnh hưởng đến việc mua thẻ; tình trạng thiếu thuốc, vật tư ảnh hưởng đến tâm lý mua BHYT; đại lý BHYT hoạt động còn hạn chế.
Theo dự tính, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, năm nay, tỉnh đạt xấp xỉ tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2022 đề ra. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ thống kê, rà soát số hộ cận nghèo, hộ nông lâm nghiệp được hỗ trợ BHYT theo Nghị quyết số 45/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Tỉnh cũng sẽ cố gắng làm quyết liệt để triển khai mua thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đề nghị BHXH tỉnh và Bưu điện tỉnh (chiếm 80% thị phần bán BHYT) cùng các địa phương tập trung phối hợp cải thiện chất lượng dịch vụ để tăng tỷ lệ tham gia BHYT. Về lâu dài, về khách quan, cơ chế vướng mắc chưa thể được sửa đổi ngay, UBND tỉnh đang tập trung xây dựng đề án nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phối hợp với bệnh viện 115 khám chữa bệnh tại Tây Ninh, thực hiện đào tạo nâng cao tay nghề cho các y, bác sĩ; rà soát mua sắm trang thiết bị y tế theo chương trình phục hồi sau đại dịch; xem xét đưa chương trình ứng dụng công nghệ thông tin kết nối giữa y tế với BHXH tạo sự tương thích nâng cao chất lượng phục vụ; điều chỉnh, bổ sung giá dịch vụ y tế mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đảm bảo vận hành tự chủ, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Kết luận phiên giải trình, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan trong thời gian vừa qua để nâng tỷ lệ tham gia BHYT trên địa bàn; trong điều kiện khó khăn chung, ngành y tế cố gắng cung cấp những dịch vụ cơ bản trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, bởi, hệ thống y tế công lập vẫn là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bên cạnh việc kêu gọi xã hội hóa.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh xác định bất cập lớn nhất hiện nay là chất lượng khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT không cao. Thời gian gần đây còn bị giảm sút do không có thuốc, vật tư y tế đảm bảo dịch vụ đúng theo nguyện vọng của người dân. Tỷ lệ vận động người dân tham gia BHYT chưa đạt theo yêu cầu và chỉ tiêu Chính phủ giao. Trong quá trình triển khai thực hiện còn có hạn chế từ tổ chức hệ thống vận động bán thẻ BHYT, dù có đổi mới, có cải cách nhưng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
Từ các ý kiến giải trình của lãnh đạo UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cơ bản thống nhất và đề nghị UBND tỉnh tiếp tục triển khai các chỉ đạo của Tỉnh ủy về việc củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống BHYT công lập, trước mắt phải tập trung giải quyết vấn đề bức xúc nhất là thiếu thuốc và vật tư y tế nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như sức khỏe của người dân. Thiết kế hệ thống cơ sở khám chữa bệnh công trong điều kiện thiếu nhân lực để người dân được đảm bảo quyền lợi, phối hợp chặt chẽ với BHXH để có phương án bố trí nhân lực, địa điểm để làm tốt dịch vụ cung cấp BHYT cho người dân. BHXH tỉnh tiếp tục nghiên cứu mở rộng bên cạnh hệ thống bệnh viện công, có bệnh viện tư nhân, để người dân được tiếp cận dịch vụ BHYT ở các cơ sở y tế ngoài công lập.
Phải giải quyết được những hạn chế của việc mua bán BHYT thông qua các đại lý hiệu quả, mở rộng doanh nghiệp có khả năng thực hiện việc này; làm rõ trách nhiệm giữa BHXH với các doanh nghiệp tránh tình trạng chậm nộp kinh phí. BHXH phải phối hợp với doanh nghiệp, địa phương rà soát nếu có trường hợp người dân nộp tiền mà chưa nhận thẻ BHYT do lỗi hệ thống thì có biện pháp xử lý đảm bảo quyền lợi của người dân.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh, BHXH, BHYT trong quản lý người mua. Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chuẩn hộ nghèo tỉnh và chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều; hộ nghèo tỉnh; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn, giai đoạn 2022-2025 (có hiệu lực từ ngày 19/12/2022); cần chỉ đạo rà soát xác định rõ các đối tượng để triển khai ngay các chính sách.
Với những vấn đề thuộc cơ chế, BHXH tỉnh cần rà soát các quy định của pháp luật để có kiến nghị cụ thể gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, trước mắt là với dự án Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi); kiến nghị BHXH Việt Nam có hướng sửa, có cơ chế mở rộng hơn để tăng hiệu quả thu BHYT.
QN