Quy định tại Thông tư này không áp dụng cho các phương tiện, xe cơ giới là xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo; xe cơ giới sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới tham gia giao thông có trách nhiệm thực hiện theo các quy định tại Thông tư nêu trên.
Thông tư nêu rõ, việc bảo dưỡng định kỳ được thực hiện tại cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa: Đối với các phương tiện, xe cơ giới có quy định của nhà sản xuất phải thực hiện theo đúng quy định của nhà sản xuất. Đối với xe cơ giới không có quy định của nhà sản xuất phải thực hiện như sau: Chu kỳ bảo dưỡng của xe ô tô con xác định theo quãng đường xe chạy là từ 5.000 đến 10.000 km hoặc sau thời gian khai thác sử dụng 6 tháng. Đối với xe ô tô chở người; ô tô chở người chuyên dùng từ 10 chỗ trở lên; ô tô tải; ô tô tải chuyên dùng; rơmoóc, sơmi rơmoóc các loại; ô tô chuyên dùng xác định theo quãng đường xe chạy là từ 4.000 đến 8.000 km hoặc hoặc sau thời gian khai thác sử dụng từ 3 đến 6 tháng. Chu kỳ bảo dưỡng định kỳ nêu trên được áp dụng tùy theo điều kiện nào đến trước. Các xe, phương tiện dùng để kinh doanh vận tải, xe hoạt động ở vùng núi, hải đảo phải áp dụng thực hiện theo mức giá trị nhỏ của chu kỳ bảo dưỡng định kỳ nêu trên. Các xe không kinh doanh vận tải, xe hoạt động ở đồng bằng áp dụng thực hiện theo theo mức giá trị lớn.
Thông tư cũng xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe và các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa. Đây là cơ sở giúp cho các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện tốt trách nhiệm của mình theo quy định.
Minh Trang