Bộ Công thương tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022

Chủ nhật - 09/01/2022 11:00 105 0
Sáng ngày 09/01, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Công thương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.

Bocongthuong-1.jpg

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị

 Bocongthuong-2.jpg

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Dương Văn Thắng - Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Với những nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, cùng với sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các địa phương và đặc biệt là sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, năm 2021, ngành Công Thương đã vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo dấu ấn nổi bật trong năm 2021.

Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2021, sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% (Quý I tăng 6,44%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 4,4%; quý IV tăng 6,52%) cao hơn so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (2,58%).

Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, IIP cả năm 2021 tăng 4,8% so với năm 2020. Cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao (tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng từ 85,5% năm 2020 lên 86,23% năm 2021), hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Phát triển công nghiệp ở các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn trong đại dịch: có 48 địa phương có chỉ số IIP tăng, chỉ có 15 địa phương có chỉ số IIP giảm so với năm 2020. Trong đó, tăng cao nhất là các tỉnh: Ninh Thuận (24,6%), Đắk Lắk (23,8%), Gia Lai (20,5%), Hải Phòng (18,2%), Bình Phước (17,8%).... Ngược lại, các địa phương có chỉ số IIP giảm nhiều nhất là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid -19 như: TP. Hồ Chí Minh (giảm 14,3%), Cần Thơ (giảm 10,1%), Trà Vinh (giảm 9,5%), Đồng Tháp (giảm 8%)...

Ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, an ninh quốc phòng và sinh hoạt của người dân. Năm 2021, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu cả năm ước đạt gần 255,37 tỷ kWh, tăng 3,34% so với năm 2020. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam với quy mô lớn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Công Thương đã kịp thời đề xuất và được Chính phủ chấp thuận, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt với số tiền gần 17.000 tỷ đồng cho các đối tượng.

Việc thực hiện kịp thời chủ trương giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là sự nỗ lực của Bộ Công Thương, góp phần chung tay cùng với cả nước phòng, chống dịch bệnh; đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ, góp phần giảm bớt khó khăn với người dân, duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh để sớm vượt qua khó khăn và chiến thắng đại dịch Covid-19.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công thương đã từng bước vượt qua thách thức và đạt được những kết quả quan trọng.

Chỉ đạo nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu toàn ngành cần tập trung lãnh đạo chỉ đạo công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng, nhất là Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo, hóa chất, phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, da giày, nông, lâm, thủy sản… Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường truyền thống; giải quyết có hiệu quả những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng ùn ứ tại các cảng biển, cửa khẩu như thời gian vừa qua…

Gia Thọ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây