Quốc hội thảo luận trực tuyến các nội dung được trình tại Kỳ họp

Thứ sáu - 07/01/2022 14:00 107 0
Thực hiện Chương trình làm việc ngày thứ 4, Kỳ họp bất thường thứ 1, Quốc hội khóa XV, ngày 07/01/2022, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến các nội dung đã được trình tại Kỳ họp.

​Phiên thảo luận diễn ra với sự điều hành của đồng chí Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch Quốc hội.

 quochoi-2022-1.jpg

quochoi-2022-2.jpg

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tham dự thảo luận tại điểm cầu tỉnh

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tham dự thảo luận trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ủy Tây Ninh.

Quốc hội dành một buổi sáng và nửa buổi chiều để thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội. Đây là chính sách bổ sung, ngoài chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Đa số các đại biểu cho rằng, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội… Chính vì thế, việc ban hành chính sách hỗ trợ, phát triển là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, cần đảm bảo được tính công bằng, thống nhất khi triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ giữa các địa phương; giữa các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng của đại dịch. Ngoài ra đề án cần cụ thể hoá và ràng buộc trách nhiệm giữa các bên khi thực hiện và phải trả lời được câu hỏi khi tiến hành sẽ thu lại kết quả như thế nào? Sản phẩm đầu ra của đề án ra sao?

 quochoi-2022-3.jpg

Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu phát biểu thảo luận

Bàn về việc xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp khi chi hỗ trợ kinh phí, hiện vật phục vụ công tác phòng, chống dịch, phát biểu từ điểm cầu tỉnh Tây Ninh, đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu cho rằng, không ít các doanh nghiệp mong muốn sự hỗ trợ của mình đến những nơi cần thiết một cách trọn vẹn, nhanh chóng, không bị thất thoát, sai mục đích hoặc chậm trễ. Họ cũng rất mong muốn thấy được sự hỗ trợ cụ thể của mình phát huy hiệu quả trong thực tế thế nào. Do đó, việc trao bằng hiện vật là mong muốn của không ít doanh nghiệp.

Về các địa phương tổ chức nhận tài trợ, theo đại biểu Hậu, qua tham khảo cho thấy, nếu thiết bị, sinh phẩm phù hợp với yêu cầu thực tế thì họ muốn nhận hiện vật hơn vì có thể đưa vào sử dụng ngay. Nếu nhận tiền thì thủ tục  mua thiết bị, sinh phẩm rất nhiêu khê nên chậm. Ngoài ra, không ít cá nhân, đơn vị rất ngại khi đứng ra chủ trì mua do thời gian qua có những tiêu cực liên quan đến việc này.

Đại biểu kết luận: “Do vậy, tôi đồng tình với phương án 1 của Dự thảo; nếu thực hiện phương án này sẽ có thêm phương thức phù hợp để thu hút thêm nguồn lực của doanh nghiệp”.

Phương án 1 mà đại biểu Hậu nêu là Phương án cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19. Đối với các khoản đóng góp bằng hiện vật phải có đầy đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính.

Trước khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng tiếp thu làm rõ một số vấn đề có liên quan.

Kết thúc phiên thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, đã có 365 đại biểu phát biểu tại tổ, 50 đại biểu phát biểu tại hội trường, 3 đại biểu tranh luận. Qua thảo luận cho thấy đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều ý kiến thống nhất với quy mô gói chính sách tài khóa tiền tệ và đề nghị rà soát sự phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo khả thi trong thực hiện các nguồn vốn. Các đại biểu cũng lưu ý việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát,tránh thất thoát, tiêu cực, trục lợi chính sách, đảm bảo các cân đối vĩ mô, an toàn, an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia và phát triển bền vững.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về từng chính sách, nhất là các chính sách lần đầu tiên được áp dụng thí điểm nhằm góp phần khơi dậy tiềm năng, tạo động lực để xây dựng và phát triển Cần Thơ thành Thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Kết thúc phiên thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thông tin, đã có 13 ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận, 79 ý kiến phát biểu trước đó.

Đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nhằm thể chế hóa nghị quyết của Đảng, tạo mục tiêu nguồn lực và điều kiện để xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đa số ý kiến đồng ý cho phép Cần Thơ phát triển 8 nhóm chính sách đặc thù như Chính phủ trình bày và một số ý kiến đề nghị lưu ý một số vấn đề về quy hoạch phát triển vùng, về vấn đề môi trường và về thời gian có hiệu lực của nghị quyết.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, tất cả các ý kiến sẽ được tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết để bổ sung cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, trước khi được Quốc hội xem xét thông qua.

Chính Thuần


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây