Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết hoạt động năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022

Thứ tư - 29/12/2021 16:00 127 0
Sáng ngày 29/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.


Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản, toàn ngành đã bám sát thực tiễn, nỗ lực vượt khó, vươn lên, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Năm 2021 ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt, vượt mức Chính phủ giao.


Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh

Nổi bật nhất là trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Thể hiện ở kết quả đạt được tại các chỉ tiêu tổng hợp năm 2021, như: Tốc độ tăng trưởng VA toàn ngành khoảng 2,85 - 2,9%; Tổng kim ngạch xuất khẩu 48,6 tỷ USD; trên 68,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (Chính phủ giao 62%) và 213 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Chính phủ giao 193 đơn vị). Số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đạt 76% (Chính phủ giao 75%). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng (Chính phủ giao 42%).

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Đồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành… với các giải pháp đồng bộ, đã tạo đà duy trì tốc độ tăng trưởng GDP với mức tăng 2,85%, trên hầu hết các lĩnh vực.

Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn; kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỷ USD, có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su). Bên cạnh đó, tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn; nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Năm 2021, thành lập mới 1.250 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số lên 78 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 19.100 hợp tác xã nông nghiệp; thành lập mới và trở lại hoạt động 1.640 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp.

Riêng với tỉnh Tây Ninh, năm 2021, ngành nông nghiệp đạt được một số kết quả như, giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 hecta đất trồng trọt đạt 102 triệu đồng, tăng thêm 2 triệu đồng so với năm 2020 (đạt 100 kế hoạch); tỷ lệ che phủ rừng đạt 16,3% (đạt 100% kế hoạch). Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,2%. Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế đạt 64% (bằng 100% kế hoạch). Ước có 55/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 77,5% tổng số xã (đạt 100% kế hoạch), bình quân mỗi xã đạt 17,8 tiêu chí, tăng thêm 0,8 tiêu chí, trong đó có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 11,2% tổng số xã.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (ảnh: chinhphu.vn)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành nông nghiệp phải lựa chọn các công việc trọng tâm, trọng điểm, cân đối nguồn lực và thời gian để triển khai bảo đảm khả thi, hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh, ngành cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm dự báo chiến lược kịp thời, chính xác hơn, tổ chức thực hiện phải thiết thực, hiệu quả và mang lại giá trị gia tăng cao hơn; bám sát tình hình thực tiễn để triển khai, cụ thể hóa đường lối, chính sách, chủ trương về phát triển nông nghiệp trong Nghị quyết Đại hội XIII và đại hội đảng các cấp; coi trọng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp với tầm nhìn xa và tư duy đổi mới, sát thực tiễn.

Thủ tướng còn yêu cầu rà soát kỹ, phát hiện các điểm nghẽn, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp bền vững, theo chiều sâu, nâng cao năng suất lao động dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực hợp lý và nâng cao năng lực cán bộ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung làm tốt công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực, giám sát, thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật. Việc này gắn với nhiệm vụ nâng cao năng lực, trí tuệ, phẩm chất, uy tín của đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp, nhất là người đứng đầu để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị vào phát triển nông nghiệp.

Trâm Thư


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây