Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch

Thứ hai - 27/12/2021 21:00 97 0
Sáng ngày 27/12, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh do đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành trên địa bàn tỉnh.

Cùng tham gia với Đoàn giám sát có đồng chí Nguyễn Đài Thy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Tiếp Đoàn giám sát, có đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.


Quang cảnh buổi giám sát

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ khi Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch và lập quy hoạch tỉnh. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Quy hoạch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với Trưởng Ban chỉ đạo Quy hoạch tỉnh là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh.

Sau khi nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã nhanh chóng thực hiện các bước theo quy định, đến nay, Quy hoạch tỉnh đã hoàn thành báo cáo đầu kỳ và đang thực hiện các giai đoạn tiếp theo. Dự kiến Quy hoạch tỉnh được trình Hội đồng thẩm định vào tháng 6/2022 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9/2022, đảm bảo thời gian được Chính phủ gia hạn tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng phát biểu tại buổi giám sát

UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc để quy hoạch nhanh chóng được triển khai, sát với thực tiễn địa phương và là mục tiêu, định hướng dài hạn cho sự phát triển. Việc thực hiện các trình tự, thủ tục trong công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch tỉnh tuân theo các quy định hiện hành của Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan.

Tuy nhiên, theo Điều 6 Luật Quy hoạch và khoản 1, Điều 1, Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay Quy hoạch quốc gia, quy hoạch cấp vùng chưa có, trong khi tỉnh vẫn tiến hành lập Quy hoạch tỉnh, sau khi có quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, nếu có sự mâu thuẫn thì tỉnh phải tiến hành điều chỉnh lại quy hoạch tỉnh. Điều này một mặt gây khó khăn cho tỉnh trong giai đoạn đang tiến hành lập quy hoạch, chưa rõ được các định hướng của Trung ương đối với Vùng. Mặt khác, sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt, nếu mâu thuẫn với quy hoạch cấp quốc gia sẽ phải điều chỉnh theo quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, gây mất thời gian và tốn kém kinh phí.

Bênh cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã tiến hành điều chỉnh một số quy hoạch thời kỳ 2011-2020 cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương khi quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt.

Qua rà soát các quy hoạch hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch và việc ban hành chính sách thay thế trên địa bàn tỉnh, tỉnh đã bãi bỏ 18 dự án quy hoạch thuộc đối tượng tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, trong đó tập trung vào các quy hoạch sản phẩm, quy hoạch không còn thực hiện, không phù hợp với tình hình thực tiễn. Các quy hoạch bị bãi bỏ thuộc quy hoạch các sản phẩm chăn nuôi, chế biến (gia súc, gia cầm), sản xuất rau an toàn, vùng nguyên liệu mía, sản phẩm thuốc lá, mạng lưới vận tải hành khách, mạng lưới dạy nghề, khoáng sản làm vật liệu xây dựng, hệ thống cửa hành kinh doanh xăng dầu, …

UBND tỉnh cũng kiến nghị Quốc hội kiến nghị phân cấp mạnh hơn và giao trách nhiệm nhiều hơn cho UBND cấp tỉnh, nhất là việc cập nhật, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch và điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất giữa các loại đất; Quy định linh hoạt trong việc điều tiết, phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất khi cần thiết, phù hợp với yêu cầu của thị trường và tình hình thực tế của địa phương để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng...


Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đài Thy phát biểu tại buổi giám sát

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh làm rõ thêm tiến độ thực hiện quy hoạch của thành phố Tây Ninh, các địa phương khác trong tỉnh, quy hoạch các phân khu; quy hoạch nông thôn; việc hoàn thiện quy chế quản lý kiến trúc. Những nội dung được được tháo gỡ từ sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực và nội dung còn vướng mắc. Cơ sở dữ liệu trong hệ thống dữ liệu đất đai so với thực tiễn có sự chênh lệch thế nào và công tác chỉ đạo UBND tỉnh xử lý vấn đề này; việc chỉ đạo xử lý đối với các dự án chậm triển khai, dự án "treo"...


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng thông tin về tình hình thực hiện quy hoạch trên địa bàn

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho rằng, quá trình thực hiện công tác quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn do còn có cách hiểu khác nhau, vận dụng còn chưa thống nhất. Khi Luật Quy hoạch có hiệu lực đã có tác động tích cực đến công tác này, quy trình lập quy hoạch bài bản hơn, thời kỳ lập quy hoạch phù hợp hơn; tuy nhiên cũng phát sinh vướng mắc về kinh phí lập quy hoạch quá lớn.

UBND tỉnh ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát, sẽ có chỉ đạo xây dựng quy trình tổng thể giải quyết các vướng mắc, nhất là khi các dự án đã cho chủ trương thì phải triển khai nhanh, còn các dự án triển khai chậm, quá thời gian quy định sẽ thu hồi. Vấn đề quản lý kiến trúc, UBND tỉnh cũng sẽ chỉ đạo thực hiện sớm hơn hạn định của Trung ương, đến năm 2023, thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, thị xã Trảng Bàng sẽ ban hành quy chế này để làm cơ sở quản lý chặt chẽ, xây dựng đô thị văn minh. UBND tỉnh cũng đã xác định, năm 2022 nhiệm vụ quan trọng là hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng.


Đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kết luận buổi giám sát

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh, Luật quy hoạch có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội; cùng với Luật Quy hoạch, Luật Đất đai và Luật đầu tư là 3 luật rất quan trọng. Thời gian qua, cả 3 luật này tuy được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa thống nhất, đồng bộ, gây khó khăn trong việc áp dụng trong thực tế.

Qua giám sát cho thấy, từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, thành lập Hội đồng thẩm định, thường xuyên chỉ đạo, huy động được sự tham gia đóng góp của các ngành, chuyên gia, nhà khoa học bảo đảm tính thực tiễn, định hướng trong lập quy hoạch ở địa phương. Khối lượng công việc nhiều, phức tạp, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng UBND tỉnh, các sở, ngành đã tích cực triển khai thực hiện công tác quy hoạch.

Tuy nhiên, dù có nỗ lực nhưng tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn chậm so với yêu cầu đề ra cũng như yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; tiến độ phê duyệt quy hoạch của các huyện chưa đảm bảo. Sự phối hợp trong công tác quản lý chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết; hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm vi phạm đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý trật tự xây dựng...

Trưởng Đoàn giám sát đề nghị, trong thời gian tới, UBND tỉnh cần tập trung quyết liệt hơn nữa công tác quy hoạch một cách đồng bộ, chặt chẽ, tạo điều kiện, nền tảng để thu hút đầu tư. Do đó, công tác này cần được thực hiện sớm; cần ưu tiên nguồn lực để đảm bảo tiến độ, đảm bảo định hướng phát triển tỉnh Tây Ninh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, tránh tình trạng quy hoạch "treo" gây bức xúc trong nhân dân; đồng thời, nâng cao năng lực thẩm định, nghiệm thu sản phẩm quy hoạch từ đơn vị tư vấn. Khi thực hiện quy hoạch cần có tính chiến lược, tầm nhìn, tránh manh mún, thiếu tính tổng thể, hạn chế điều chỉnh cục bộ .

UBND tỉnh và các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về pháp luật quy hoạch, đa dạng hình thức lấy ý kiến, phù hợp với trình độ dân trí của từng địa phương, đảm bảo thời gian mà pháp luật đã quy định để các tầng lớp nhân dân được tiếp cận, góp ý cho quy hoạch; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong thực hiện quy hoạch.

QN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây