Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh thảo luận chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Thứ ba - 04/01/2022 18:00 114 0
Thực hiện Chương trình làm việc ngày thứ 1, Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 04/01/2022, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

hopQH-1.jpg

Các đại biểu thảo luận tại tổ

Tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi thảo luận.

Buổi thảo luận còn có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Xuân Hiền - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Tây Ninh.

 hopQH-2.jpg

Đại biểu Trần Hữu Hậu nêu ý kiến

Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi với các ý kiến của các đại biểu. Đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng: “Về các gói chính sách hỗ trợ trong kỳ họp bất thường này rất cần thiết, các gói chính sách quy định cụ thể đối tượng, ngành được hỗ trợ, các giải pháp đề ra có thể thực hiện được, dễ áp dụng, không chung chung như gói chính sách 2009-2013. Với cách làm này, việc hỗ trợ sẽ đúng đối tượng hơn, các Ngân hàng Thương mại cũng mạnh dạn hơn trong việc thực hiện”.

Đại biểu thể hiện sự đồng tình, việc sử dụng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông trọng điểm là phù hợp; tập trung vốn cho các dự án quan trọng có tác động lan tỏa lớn, hấp thụ vốn lớn như các dự án giao thông Vành đai 3, 4, Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh). “Đây là các dự án mang tính cấp thiết, có sức lan tỏa lớn kết nối vùng và tạo động lực quan trọng phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cần được quan tâm để ưu tiên đầu tư công trong thời gian này, đề nghị Chính phủ cần rà soát đối tượng để đảm bảo chiến lược phát triển chung của Quốc gia”- đại biểu Hậu kiến nghị thêm, Chính phủ cần rà soát lại các Dự án trong Danh mục của Chương trình này đảm bảo nguyên tắc, tiêu chí chung và bảo đảm công khai, minh bạch.

 hopQH-3.jpg

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương nêu ý kiến

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cũng đồng tình gói chính sách của Chính phủ, các gói chính sách cụ thể đúng với tầm quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội. Theo đại biểu Phương, việc bội chi ngân sách trong năm 2022 và 2023 là phù hợp trong giai đoạn này để có nguồn lực tài chính phục hồi phát triển kinh tế xã hội, có thể vay trong nước và ngoài nước, phát hành trái phiếu nhưng phải tính toán khả năng trả nợ.

Đại biểu thống nhất với Phương án 1, khuyến khích doanh nghiệp đồng hành với nhà nước, cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19. Hỗ trợ lãi suất một cách linh hoạt, tránh dư nợ tín dụng tăng dẫn đến nợ xấu Ngân hàng, chỉ xác định mốt số đối tượng ưu tiên, tập trung các lĩnh vực bị tổn thương nặng như du lịch, vận tải, doanh nghiệp, hợp tác xã…Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cơ chế đặc thù cần đề xuất, tính toán thêm…

 hopQH-4.jpg

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy nêu ý kiến

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy góp ý đối với phụ lục VII kèm theo báo cáo 01 của Chính phủ, dự kiến sẽ hỗ trợ 60 huyện/14 tỉnh; 2.154 xã/ 49 tỉnh với tổng kinh phí là 14.000 tỷ đồng. Đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát lại để hỗ trợ những tuyến y tế cơ sở quá tải, trọng điểm của cả 63 tỉnh thành (thay vì chỉ có 49 tỉnh). Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, các tỉnh phía Nam bị thiệt hại nặng nề, bộc lộ tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng còn rất nhiều hạn chế, khó khăn, cần hỗ trợ để có khả năng đối phó với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay. Chính phủ cần quan tâm đến Tây Ninh, là tỉnh có đường biên giới dài giáp với nước bạn Campuchia, tình hình kiểm soát dịch bệnh rất khó khăn, phức tạp, hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng rất hạn chế. Trong đợt bùng phát lần thứ 4, Tây Ninh là một trong số những tỉnh phía nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh với ca dương tính khoảng 87.000 ca và là 1 trong 5 tỉnh, thành có ca nhiễm cao trong cả nước.

Đối với nội dung Chính phủ trình Quốc hội để thảo luận, đại biểu Thúy đồng thuận với phương án 1 “Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19…”, nhưng kiến nghị Bộ Tài chính cần hướng dẫn thủ tục, hồ sơ tinh gọn, tạo thuận lợi và khuyến khích doanh nghiệp tham gia đóng góp cho hoạt động phòng chống dịch Covid-19.

hopQH-5.jpg 

Đại biểu Phạm Hùng Thái - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh kết luận buổi thảo luận

Kết luận buổi thảo luận, đại biểu Phạm Hùng Thái - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cơ bản thống nhất ý kiến của các đại biểu đã nêu và đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và những kiến nghị với Chính phủ xem xét

Đại biểu Phạm Hùng Thái cũng kiến nghị Chính phủ cần tổng kết thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid -19 giai đoạn 2019-2021 để đề ra các cơ chế, chính sách sát hợp với thực tiễn, hiệu quả cao, có tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục những vấn đề chưa đồng bộ, hiệu quả hạn chế của các chính sách vừa qua.

Đối với giải pháp chính sách hỗ trợ lao động việc làm an sinh xã hội. Cần bổ sung địa phương điều chỉnh là lực lượng lao động phi Chính thức như: Lao động tự do, lao động trong các hộ sản xuất kinh doanh… chưa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, đảm bảo công bằng với lao động khu vực chính thức như Công nhân các Nhà máy, Khu Công nghiệp…

Thanh Hoa



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây