Các đại biểu thảo luận tại tổ
Tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi thảo luận.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh nêu khá nhiều ý kiến trong buổi thảo luận, cơ bản các đại biểu thống nhất với các dự thảo.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, đại biểu đề nghị xem xét lại về quy định của điều khoản chuyển tiếp, cần quy định cụ thể từng quy định sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định về hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính khả thi. Cụ thể chuyển tiếp như thế nào? Giai đoạn nào? Thủ tục ra sao? Xử lý hậu quả pháp lý phát sinh và các vấn đề liên quan đến luật khác sao cho phù hợp nhất.
Đối với Luật Đầu tư công, tại Khoản 4, đại biểu đề nghị bổ sung đoạn 2 "HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do địa phương quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4 Điều này" vào khoản 6 Điều 17 Luật Đầu tư công. Lý do, để phù hợp với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND cấp tỉnh.
Đối với dự án Luật Đầu tư, đại biểu đề nghị bổ sung khoản 2a Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020 như sau: "2a. Đối với các dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, UBND cấp tỉnh xem xét, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án đầu tư theo quy định pháp luật đất đai". Lý do được đưa ra là sẽ giảm bớt thủ tục hành chính và thời gian phải thực hiện cho cùng một nội dung cơ quan quản lý đầu tư hoàn toàn có thể lấy ý kiến chi tiết về đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất của nhà đầu tư, thẩm định và tổng hợp trình UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và quyết định chuyển mục đích sử dụng đất ngay trong bước đề xuất chủ trương đầu tư. Trường hợp cần xin ý kiến, UBND cấp tỉnh có văn bản trình HĐND trước khi quyết định, hạn chế rủi ro trong trường hợp UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng sau đó HĐND lại không chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất.
Góp ý về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đại biểu cho rằng Chủ trương này đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí dự án quan trọng Quốc gia theo quy định Luật Đầu tư công. Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, hiện chưa có quy hoạch Quốc gia được Quốc hội thông qua nên cần thận trọng rà soát.
Tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 là 119.666 tỷ đồng (Quốc hội bố trí 47.169 tỷ đồng, còn thiếu 72.197 tỷ đồng). Đây là vốn chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, cần điều phối vốn sao cho phù hợp.
Đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, các đại biểu cơ bản thống nhất chủ trương ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, cần lưu ý, Cần thơ là trung tâm của vùng đồng bằng Sông cửu Long, về quản lý đất đai và quy hoạch thì giao thẩm quyền cho HĐND thành phố Cần thơ là phù hợp với các chính sách đặc thù trước đây đã giao cho các tỉnh khác.
Thành phố Cần Thơ nằm trong đồng bằng sông Cửu Long nên cần phải có quy định điều kiện cụ thể khi chuyển mục đích đất lúa sẽ không làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực Quốc gia, phù hợp với Kế hoạch sử dụng đất Quốc gia, không ảnh hưởng chỉ tiêu sử dụng đất chung. Trong quá trình chuyển đổi không làm ảnh hưởng lớn về đời sống người dân trong quá trình thu hồi đất, tránh trường hợp khiếu nại khi thực hiện dự án…
Song Trần