Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động ngành năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019

Thứ năm - 03/01/2019 16:00 99 0
Sáng ngày 03/01/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2018 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị.

hoptructuyen_BNN030119.jpg

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tại điểm cầu Tây Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố tham dự.

Phát biểu đánh giá hoạt động ngành trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, doanh nghiệp, bà con nông dân cả nước đã chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu, đồng thời linh hoạt thích ứng với diễn biến thị trường nông sản, tăng cường và chủ động xử lý sớm dịch bệnh cây trồng vật nuôi, kiểm soát sản xuất an toàn, từng bước khắc phục những yếu kém nội tại của sản xuất nhỏ trước đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn… ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cả nước đã đạt được kết quả cao, toàn diện, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất hơn về 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.

Các chỉ tiêu chủ yếu tổng hợp đều vượt kế hoạch cả năm và cao hơn năm trước: GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây; giá trị sản xuất tăng 3,86%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%. Đến nay, cả nước có 3.787 xã, (đạt 42,4% số xã) và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tăng hơn 700 xã, 18 huyện so với năm 2017, bình quân đạt 14,33 tiêu chí/xã.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017, thặng dư thương mại đạt 8,72% tỷ USD. Nhiều địa phương, doanh  nghiệp, hợp tác xã, nông dân đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và đạt được những thành công rõ rệt.

Lĩnh vực trồng trọt, các địa phương đã chuyển 105 ngàn ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các loại hoa màu, cây làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc ứng dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng nên diện tích lúa giảm nhưng sản lượng lúa vẫn tăng 1,24 triệu tấn. Giá trị sản xuất trồng trọt tăng 2,52%, cao hơn mục tiêu đề ra. Lĩnh vực chăn nuôi có chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại theo chuỗi. Một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu như thịt heo đông lạnh chính ngạch sang Myanmar, thịt gà sang Nhật Bản. Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 3,98% (mục tiêu 2,1%). Năm 2018, ngành thủy sản tiếp tục gặt hái thành công, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,74 triệu tấn. Tỷ trọng các sản phẩm có giá trị cao tăng mạnh. Giá trị sản xuất tăng 6,5% (mục tiêu đề ra 5,29%). Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản tiếp tục được nâng cao năng lực, chế biến sâu. Năm 2018, có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt heo, gia cầm hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng được khởi công và khánh thành. Sản xuất cung ứng nông sản với chất lượng cao, mức tổn thất nông sản đã giảm đáng kể. hầu hết nông sản được tiêu thụ kịp thời, ggiá ở mức có lợi cho nông dân.

hoptructuyen_BNN030119_1.jpg

Tuyến đường được đầu tư trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, như: cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương, kinh tế nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế; thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, quản lý an toàn thực phẩm vẫn rất khó khăn, phức tạp; tình trạng môi trường nông thôn chưa chuyển biến rõ rệt…

Năm 2019, toàn ngành nông nghiệp xác định và hướng tới “Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”.

Lãnh đạo các địa phương, các hiệp hội, ngành hàng, các đại biểu tham dự trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội phát biểu làm rõ thêm nguyên nhân, sự đóng góp của các thành phần trong xã hội làm nên những kết quả trong năm 2018, xác định động cơ, mục tiêu của năm 2019, chủ trương, biện pháp mới, tháo gỡ những “nút thắt” để tiếp tục phát triển nền nông nghiệp Việt Nam, không chỉ giúp cho người dân Việt Nam có an toàn thực phẩm tốt, đời sống được nâng lên, mà nông dân phấn khởi tin tưởng vào đường lối của Đảng, quản lý của Nhà nước theo gợi ý, “đề bài” của Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho hội nghị trong phần thảo luận.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự quyết tâm vượt khó, đổi mới sáng tạo của bà con nông dân, cộng đồng doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào thành tích to lớn, toàn diện của ngành nông nghiệp cả nước.

Sau khi phân tích những mặt được và hạn chế của ngành nông nghiệp trong năm qua, Thủ tướng đặt mục tiêu cho ngành trong thời gian tới: ngành nông nghiệp nước ta cần phải khơi gợi khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu để trong 10 năm nữa, Việt Nam phải lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản phải vào nhóm 10 nước của thế giới. Việt Nam phải phấn đấu là trung tâm chế biến đồ gỗ hàng đầu của thế giới.

Thủ tướng cũng nêu một số mục tiêu cụ thể trong năm 2019 như tăng trưởng khu vục nông nghiệp phải đạt cao, xuất khẩu phấn đấu đạt 42-43 tỷ USD, 70 huyện, 48-50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp phải tiếp tục tìm tòi mọi cách, phát huy mọi sáng tạo để thực hiện đạt được cao hơn mục tiêu đề ra.

Để ngành nông nghiệp đạt được những bước tiến mới trong năm 2019, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần thực hiện các biện pháp tái cơ cấu mạnh mẽ hơn mô hình tăng trường nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, sản phẩm chủ lực của quốc gia, của tỉnh và mỗi xã một sản phẩm; Làm tốt công tác thị trường, dự báo cân đối cung cầu, phát triển thị trường mới, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam (gạo, cá tra, lúa…); Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nông nghiệp; Tiếp tục xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng môi trường sống, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân, nhất là tiêu chí thu nhập của người dân; Theo dõi diễn biến thời tiết thiên nhiên, chủ động làm tốt công tác tham mưu ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại xảy ra; Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, phát động trồng rừng phủ xanh đất trống…

Thủ tướng bày tỏ niềm tin, “với kết quả vừa qua và qua hội nghị này, một niềm tin mới, một nhận thức mới, một hành động quyết liệt về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, hướng về tiêu dùng, xuất khẩu để nông dân nước ta, doanh nghiệp nông nghiệp nước ta khá hơn, giàu hơn”. Với những kinh nghiệp đạt được trong năm 2018, năm 2019, nhất định nông nghiệp Việt Nam sẽ có bước tiến để tất cả chỉ tiêu đều tốt hơn năm 2018.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây