Hội nghị do đồng chí Trần Xuân Hà -Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính chủ trì.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, 5 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bằng vốn nước ngoài thuộc khối địa phương mới đạt gần 2% so với tổng dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó có nhiều các tỉnh, thành phố chưa giải ngân.
Theo thống kê của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, có tới 37/63 tỉnh, thành phố chưa giải ngân vốn, khi tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỷ đồng.
Số vốn đã giải ngân là hơn 1.100 tỷ đồng, bằng 1,73% dự toán, trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương giải ngân là 616 tỷ đồng và vốn cho các địa phương vay lại giải ngân là hơn 484 tỷ đồng.
Qua thống kê, mới có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3%, trong đó có tỉnh Tây Ninh; nhưng có tới 37/63 địa phương tỷ lệ giải ngân là 0%.
Được biết, năm 2021, Tây Ninh được giao kế hoạch vốn nước ngoài là 406,845 tỷ đồng, đã thực hiện phân bổ và giao kế hoạch vốn chi tiết cho 3 dự án, đạt 100% kế hoạch. Đó là dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh (64,618 tỷ đồng); dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (45,227 tỷ đồng) và dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng tại Mộc Bài, Tây Ninh (297 tỷ đồng). Tỉnh cũng đã nhập dự toán chi tiết đến dự án năm 2021 trên Tamis đầy đủ, kịp thời chi tiết cho từng dự án.
Kết quả đến 31/5/2021, tỉnh đã giải ngân 33,844 tỷ đồng, đạt 8,32% kế hoạch; dự kiến giải ngân đến cuối năm 2021 là 406,845 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn được giao.
Đại diện 11 địa phương đã báo cáo về tình hình thực tế giải ngân vốn đầu tư công bằng nguồn vốn nước ngoài, đồng thời nêu rõ nguyên nhân cũng như kiến nghị để triển khai giải ngân trong những tháng còn lại của năm 2021.
Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị, các địa phương cần làm rõ 3 số liệu cơ bản: số liệu kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước; số giải ngân thực tế (bao gồm các đơn rút vốn thanh toán trực tiếp, các đơn rút vốn chuyển về tài khoản đặc biệt); số ghi thu ghi chi – là số thực hiện hoàn tất hồ sơ chứng từ,…
Xác định các nguyên nhân khách quan và chủ quan trong việc giải ngân chậm, trong đó, Thứ trưởng cho rằng các nguyên nhân chủ quan tập trung vào việc không có khối lượng thực hiện đủ điều kiện thanh toán; chậm xử lý đơn rút vốn; chậm đấu thầu; vướng mắc trong thực hiện hợp đồng; chậm triển khai công việc và xác nhận khối lượng hoàn thành; chậm tổng hợp hồ sơ đề nghị rút vốn.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị, các địa phương tập trung thực hiện đúng các giải pháp theo 3 nhóm: cơ quan chủ dự án; cơ quan chủ quản dự án (UBND tỉnh, thành phố); cơ quan có vai trò tổng hợp (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Trong đó, các địa phương cần rà soát việc phân bổ lại dự toán phù hợp với tiến độ triển khai các dự án. Trong thẩm quyền được giao, các địa phương chủ động điều chỉnh dự toán và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong trường hợp giảm dự toán được giao. Ưu tiên bố trí phần vốn còn lại phù hợp với cơ chế tài chính của các dự án đang triển khai, thực hiện trên địa bàn của các địa phương.
Bên cạnh đó, các địa phương kiện toàn, tăng cường năng lực tổ chức thực hiện của các ban quản lý dự án trong bối cảnh phần lớn các ban quản lý dự án ở các địa phương đang trong quá trình tái cơ cấu, sáp nhập, chia tách; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay, không để việc điều chỉnh làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân của các dự án.
Hoàng Giang