Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc tại Tây Ninh

Thứ bảy - 17/04/2021 08:00 229 0
Ngày 15/4, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Tây Ninh. Cùng tham gia với đoàn có Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tặng hoa, chụp ảnh lưu niệm với Bộ trưởng và Thứ trưởng


Quang cảnh buổi làm việc

Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến báo cáo với đoàn công tác

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến báo cáo với đoàn công tác về tình hình kinh tế-xã hội quý I/2021 và một số nhiệm vụ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh thời gian qua.

Trong quý 1, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19, song với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt có hiệu quả của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Tây Ninh đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép và đạt một số kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.  Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới duy trì, vốn đăng ký tăng mạnh.

Chăn nuôi phát triển tốt, giá cả không biến động nhiều trong dịp tết Nguyên đán. Chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh ngày càng nâng lên với 80 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và 67 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP. Dịch tả lợn Châu Phi đã cơ bản được kiểm soát. Giá trị sản xuất năm 2020 đạt 26.434 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2019; tỷ lệ che phủ rừng duy trì 16,3%. Tỉnh đã và đang cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tổng diện tích chuyển đổi cây trồng trong năm 2020 trên 1.600 ha. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, công tác hỗ trợ chứng nhận GAP, ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử, đăng ký thông tin vùng trồng...được ngành quyết liệt triển khai thực hiện để nông sản tỉnh được xuất khẩu chính ngạch, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người sản xuất.

Tỉnh cũng đã định hướng xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Tân Châu. Vị trí nghiên cứu lập đề án là khu vực đất của Công ty cổ phần Cao su 1/5 bàn giao cho địa phương quản lý tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu với tông diện tích 1.986,31 ha. Mục tiêu sản xuất, chế biến một số sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngành trồng trọt và chăn nuôi, kết hợp chuyển giao công nghệ, thực hiện liên kết chuồi giá trị nông nghiệp.

Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông nhằm cấp nước tưới tự chảy cho diện tích 16.953 ha đất nông nghiệp, cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi với lưu lượng 1,0 m3/s thuộc 9 xã của huyện Châu Thành và Bến Cầu đang được thực hiện. Đến nay, dự án thi công hoàn thành đạt 70% khối lượng trong giai đoạn 1. Tỉnh kiến nghị Bộ quan tâm hỗ trợ để thực hiện giai đoạn 2 của dự án này với mức vốn 600 tỷ đồng để phát huy tối đa hiệu quả của công trình.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh đến một số khó khăn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Ninh

Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Bộ xem xét hỗ trợ thực hiện Dự án làm mới đập bê tông hồ chứa nước Tha La (huyện Tân Châu), kết hợp dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.795, đồng bộ cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tân Châu nói chung và an toàn đập, hồ chứa nước Tha La nói riêng; hỗ trợ tỉnh thực hiện Dự án Phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh và Dự án Nước sạch và Vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh.



Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc

Trên địa bàn tỉnh có công trình thủy lợi Dầu Tiếng quan trọng của quốc gia, tỉnh kiến nghị Bộ xác định rõ ranh giới, phạm vi để cắm mốc khu vực lòng hồ, vùng phụ cận của đập, vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước để làm cơ sở xác định phạm vi bảo vệ và thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình cũng như xác định rõ thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của tỉnh, của Bộ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước liên quan đén quản lý, khai thác, sử dụng khu vực đất bán ngập cũng như khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của công trình nhằm phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả khu vực.

Phát biểu với hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc đến câu chuyện, Tây Ninh không có biển mà sản xuất được muối tôm - trong khi muối và tôm vốn chỉ có ở miền biển- và còn nổi tiếng khắp cả nước, khi nói đến muối tôm là mọi người nhớ ngay đến muối tôm Tây Ninh. Qua đó, Bộ trưởng muốn gửi gắm thông điệp là làm sao biến "điều không thể thành điều có thể, biến cái không có thành có".

Nhận định, Tây Ninh có nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, bởi tỉnh còn quỹ đất nông nghiệp rộng cộng với hệ thốngkênh mương thủy lợi được đầu tư đồng bộ, quy mô đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu, Bộ trưởng đề nghị, thời gian tới, tỉnh cần tạo ra hệ sinh thái về bức tranh nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí đầu vào, chế biến tinh và tăng chất lượng; gắn nông nghiệp với công nghiệp, nông nghiệp với dịch vụ như Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định.

Để làm được điều này, tỉnh cần thực hiện tốt công tác kêu gọi đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là khâu chế biến, song song đó, tích cực vận động tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác tạo vùng nguyên liệu cung ứng cho doanh nghiệp; có phương pháp chuyển tư duy đơn giá trị thành đa giá trị đối với trồng trọt và chăn nuôi.

Đồng ý sẽ đồng hành cùng Tây Ninh thực hiện giai đoạn 2 của Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, Bộ trưởng mong muốn, tỉnh cần có tính toán sẽ tận dụng nguồn nước tưới, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi như thế nào để phát huy hiệu quả công trình, kế đến phải hợp tác sản xuất để phát huy giá trị tổng hợp của dự án.

Đối với hồ Dầu Tiếng, do liên quan đến nhiều bộ, ngành nên tỉnh cần nghiên cứu, tính toán kỹ, đưa ra ý tưởng cụ thể để phát huy tiềm năng, giá trị của hồ.

Về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng cho rằng Tây Ninh cần liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh vì Thành phố có kinh nghiệm và các nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này, có thể mở ra mối quan hệ hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học, công nghệ nano. Kế đến, Tây Ninh cũng cần hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cùng trao đổi cách làm công nghiêp công nghệ cao. Bởi, theo Bộ trưởng, tư duy của doanh nghiệp rất nhạy bén với thị trường, có thể hỗ trợ nhiều cho tỉnh. Bộ trưởng cũng cho rắng, tỉnh cần có nghị quyết về tăng cường chính sách hỗ trợ hợp tác xã, hỗ trợ người dân một cách đồng bộ, hiệu quả, để góp phần phát triển nông nghiệp địa phương.


Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận các chỉ đạo của Bộ trưởng

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan đến thăm Tây Ninh và đã có những chia sẻ, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó giúp lãnh đạo tỉnh gợi mở nhiều vấn đề trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp địa phương.

Những khó khăn, vướng mắc tỉnh kiến nghị đều đã được Bộ trưởng ghi nhận, Bí thư Tỉnh ủy mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là khai thác những công trình dự án ở lĩnh vực nông nghiệp mà tỉnh đang có và đang đầu tư để tạo nên sự phát triển đột phá trong lĩnh vực này.

Nhã Khôi


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây