Báo cáo của VKSND tỉnh cho thấy, trong kỳ, tội phạm mới khởi tố 1.137 vụ, giảm 109 vụ. Đa số các loại tội phạm đều giảm, cụ thể như: Tội phạm ma tuý: khởi tố 71 vụ, giảm 8 vụ; tội phạm về kinh tế và xâm phạm sở hữu: khởi tố 586 vụ, giảm 132 vụ, các loại tội phạm khác cũng không tăng. Tuy nhiên, đáng chú ý là tội phạm về trật tự, an toàn xã hội tăng 30 vụ (khởi tố 476 vụ), chủ yếu là các tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc (126 vụ), cố ý gây thương tích (116 vụ). Một số loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra như: giết người (18 vụ), hiếp dâm trẻ em (18 vụ). Nguyên nhân tội phạm là do kinh tế gặp nhiều khó khăn, đã tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân; một bộ phận người dân không có việc làm, thiếu ý thức chấp hành pháp luật; do tác động của các loại game bạo lực và văn hoá đồi truỵ; tranh chấp cá nhân trong quan hệ gia đình, xã hội; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tuy có thực hiện nhưng chưa mang lại hiệu quả mong muốn.
Ông Võ Hùng Việt- Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát VKS tỉnh Tây Ninh.
Đoàn giám sát nêu nhiều ý kiến với VKSND tỉnh: Việc tăng nặng, giảm nhẹ giữa VKSND và TAND chưa thống nhất là do đâu? Cần quan tâm đến lĩnh vực tội phạm trẻ tuổi, hoạt động theo băng nhóm, có tổ chức phức tạp; Quan tâm đến các loại tội phạm mới như: môi trường, tin học, cần phải phối hợp với các ngành chức năng để truy tố cho được những tổ chức, cá nhân vi phạm; Án không có điều kiện thi hành để kéo dài, giải quyết thế nào? Cần đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan về tiến độ thi hành án; Tình hình phạm pháp của thanh thiếu niên tăng hay giảm? Chống người thi hành công vụ ở lĩnh vực nào? Cần nói rõ hơn về án tạm đình chỉ? Nguyên nhân trốn thi hành án? Án chưa có điều kiện thi hành và án không có điều kiện thi hành, cơ quan nào có thẩm quyền phân loại, cơ quan nào giám sát việc phân loại án đó?
Lãnh đạo VKSND tỉnh giải trình: Việc xử lý án chưa thống nhất là do con người, do cơ chế quy định pháp luật còn sơ hở, do hướng dẫn thực hiện của Trung ương cũng chưa thống nhất; tội phạm môi trường rất khó xác định, VKSND căn cứ vào kết quả giám định tư pháp để xử lý, nhưng hiện nay ở Tây Ninh không có cơ quan giám định tư pháp, muốn giám định phải về thành phố Hồ Chí Minh; tội phạm mạng rất khó xử lý do chưa đủ điều kiện xác định; việc kiểm sát tin báo có phân công cụ thể nhưng do tin nhiều, người ít nên chưa đảm bảo; việc quá hạn là do chờ kết quả giám định; án tạm đình chỉ là do không xác định được bị can, chờ điều tra; trong kỳ tội hiếp dâm tăng 4 vụ, giết người giảm 4 vụ; phân loại thi hành án là do cơ quan thi hành án quy định, VKSND ở địa phương nào chịu trách nhiệm kiểm sát việc phân loại thi hành án tại địa phương đó, việc phân loại còn mang tính chủ quan nên chưa chính xác, VKSND chỉ kiểm sát trên hồ sơ chứ không đủ điều kiện xác minh do án nhiều, người ít, chỉ những trường hợp thật cần thiết mới đi xác minh. Số lượng thi hành án rất lớn nên thường là án dễ làm trước, khó làm sau. Đề nghị cần giám sát chặt chẽ hơn nữa hoạt động thi hành án.
Ông Võ Hùng Việt- Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, hoạt động giám sát lần này là để phục vụ cho kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khoá VIII. Do đó, VKSND tỉnh cần có kiến nghị những biện pháp cụ thể nhất để hạn chế tội hiếp dâm, giết người; cần kháng nghị việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất; quan điểm xử lý chưa thống nhất. Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị xử lý thật nghiêm khắc tội côn đồ, cố ý gây thương tích cho người khác.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng- Trưởng Ban Pháp chế HĐND phát biểu yêu cầu VKSND tỉnh bổ sung đầy đủ vào báo cáo những vấn đề đoàn giám sát đặt ra. Trưởng Ban Pháp chế nhận định tất cả công việc đều xuất phát từ cán bộ, do đó VKSND cần xây dựng ngành thật sự trong sạch vững mạnh; nâng cao trình độ cán bộ đủ tầm để đáp ứng yêu cầu công việc; đồng thời cần có những đánh giá thêm về quản lý cán bộ; trong thực hiện nhiệm vụ của ngành, cần đóng góp tích cực hơn nữa để hạn chế những yếu kém, tiêu cực.
Theo BTNO