Quang cảnh buổi làm việc
Cùng tham dự buổi làm việc, có đồng chí Nguyễn Đài Thy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Tại buổi tiếp xúc, đồng chí Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thông tin đến cử tri dự kiến thời gian, nội dung chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sắp tới.
Cơ bản đồng tình với nội dung, chương trình của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cử tri Tây Ninh là lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp nêu nhiều ý kiến.
Trung tá Lê Duy Tân, Đội trưởng Đội giáo dục hồ sơ, Trại giam Cây Cầy thuộc Cục C10 - Bộ Công an
Cử tri công tác tại Trại giam Cây Cầy nêu thực trạng cơ sở vật chất khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân chưa đáp ứng yêu cầu của công tác khám, chữa bệnh, vừa phục vụ công tác quản lý bệnh nhân, đề nghị có biện pháp hỗ trợ; cần có chế độ dành cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù được giảm chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo; kiến nghị tỉnh thực hiện Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng do hiện nay quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn. Theo cử tri, trại giam thực hiện việc quản lý, giam giữ, cải tạo, giáo dục phạm nhân, cần tạo điều kiện để phạm nhân được chuyển tiếp lao động từ trong trại giam đến ngoài trại giam để tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Thế Tân - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh nêu ý kiến
Ông Nguyễn Thế Tân - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh tán đồng với việc kỳ họp này Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Cử tri cho rằng điều này có hiệu quả ở cả hai mặt là vừa tạo việc làm cho phạm nhân vừa đáp ứng nhu cầu tìm kiếm lao động của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cử tri đề nghị cần có chính sách đối với các doanh nghiệp tiếp nhận lao động là phạm nhân để doanh nghiệp mạnh dạn tiếp nhận lao động vào làm việc.
Nêu thực trạng của ngành nông nghiệp hiện nay, được mùa mất giá, được giá mất mùa, ông Nguyễn Thế Tân cho rằng chi phí đầu tư nông nghiệp lớn, thời gian chăm sóc dài, thu hoạch thì gặp bất lợi từ thị trường, do đó, kiến nghị Quốc hội có chính sách định hướng thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân để họ yên tâm lao động sản xuất. Mặt khác, cơn sốt chuyển nhượng đất nông nghiệp hiện đang diễn ra, đất được mua không tiếp tục sản xuất nông nghiệp cũng dẫn đến việc diện tích đất sản xuất bị kéo giảm.
Cử tri còn đề nghị xem lại Luật Thi hành án dân sự, để những bản án có hiệu lực pháp luật thì phải được thi hành nghiêm túc; dù cải cách giáo dục đã được thực hiện một thời gian nhưng vấn đề định hướng nghề nghiệp của học sinh chưa rõ ràng.
Phó Chánh Thanh tra tỉnh Trương Văn Dễ góp ý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)
Góp ý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Phó Chánh Thanh tra tỉnh Trương Văn Dễ cho rằng hiện nay, cơ cấu tổ chức ngành thanh tra còn nhiều bất cập và đề xuất bỏ thanh tra cấp huyện, bởi mấy nguyên nhân: cấp huyện biên chế ít không đảm bảo chức năng nhiệm vụ của thanh tra ở địa phương; công tác xây dựng lực lượng gặp nhiều khó khăn do tính ổn định không cao, thường xuyên thay đổi cán bộ; năng lực công chức, viên chức hạn chế, không đồng đều; đề xuất phương án thành lập các thanh tra cụm trực thuộc thanh tra tỉnh, đảm bảo chức năng nhiệm vụ hơn.
Giám đốc Sở Công thương Lê Anh Tuấn kiến nghị Trung ương xem xét vấn đề phân cấp, phân quyền nên theo hướng phân quyền nhiều hơn cho địa phương; vấn đề quảng cáo trên truyền hình còn nhiều bất cập, cần kiểm soát chặt chẽ hơn về nội dung, thời lượng quảng cáo, kênh truyền hình phát quảng cáo, đề xuất kênh thời sự chính trị không nên phát quảng cáo.
Cục trưởng Cục Thuế Nguyễn Tấn Lợi cho rằng các vấn đề ngành thuế kiến nghị với các bộ ngành chưa được trả lời thỏa đáng, như chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng, bộ ngành chỉ ghi nhận trả lời nhưng chưa có biện pháp tháo gỡ. Hàng loạt các khó khăn chưa được tháo gỡ như vấn đề đồng bộ trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai; quản lý bất động sản, chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế, sử dụng hóa đơn điện tử; bất cập trong quy trình xác định giá đất; đấu giá tài sản, nhất là đất đai; đấu thầu dự án… cần được quan tâm hơn nữa.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Huỳnh Thanh Nam góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Huỳnh Thanh Nam cho rằng, những số liệu được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về các vụ bạo lực gia đình chỉ là bề nổi, thực tế còn rất nhiều vụ việc, có vụ việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội. Đây thực sự là vấn đề nhức nhối của xã hội. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật còn chưa làm rõ vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ, vai trò giám sát của cộng đồng hay quy định tại Điều 33 buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình cũng còn quy định chung chung…
Đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri
Đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu các ý kiến và nhấn mạnh Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ lựa chọn, kiến nghị những vấn đề cử tri quan tâm trong chương trình kỳ họp, cũng như lựa chọn vấn đề để chất vấn tại Kỳ họp.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thái trao đổi, thông tin thêm một số vấn đề liên quan chính sách pháp luật về đất đai hiện nay, cho thấy cần phải sửa đổi. Đây cũng là nội dung mà Hội nghị Trung ương 5 rất quan tâm và dành thời gian để lắng nghe những đánh giá sau quá trình triển khai các chính sách pháp luật về đất đai để có những chủ trương, định hướng các cơ quan có điều chỉnh bổ sung một cách kịp thời, sát hợp với thực tiễn đáp ứng nhu cầu của sự phát triển để đất đai thật sự là động lực, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Do vậy, trong chương trình kỳ họp này, Quốc hội không đưa ra lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để có thêm thời gian xem xét phân tích, đánh giá, làm rõ một cách thận trọng hơn, chặt chẽ hơn.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thái cho biết, về vấn đề phân cấp, phân quyền, tăng thẩm quyền cho địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ thảo luận kỹ hơn để đặt vấn đề với Quốc hội trong kỳ họp tới đây.
Nhã Khôi