Tây Ninh tổ chức Hội thảo khoa học Nhận diện bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh

Thứ sáu - 29/04/2022 11:00 206 0
Sáng ngày 28/4, tại Trung tâm hội nghị Khách sạn Sunrise, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Trường Chính trị Tây Ninh tổ chức Hội thảo khoa học Nhận diện bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh.

Đây là hoạt động nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời thực hiện tinh thần chỉ đạo của Hội nghị Văn hóa toàn quốc.


Quang cảnh Hội thảo


Các đồng chí chủ trì Hội thảo

Đến dự có đồng chí Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng chí Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng, Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS. Phan Thanh Định - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh; đồng chí Võ Đức Trong - Phó Thủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Hợp - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử - dân tộc và các chuyên gia lĩnh vực văn hóa trong và ngoài tỉnh tham dự Hội thảo.


Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Văn Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Văn Hùng cho biết, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của gần 40 nhà khoa học, nhà nghiên cứu với nhiều báo cáo tham luận. Thông qua việc nhận diện bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh, tạo nền tảng quan trọng khi xây dựng các chính sách về kinh tế xã hội; phát huy các giá trị văn hóa, giáo dục, bồi đắp những truyền thống tốt đẹp phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng quê hương Tây Ninh ngày càng giàu mạnh, nhân dân ấm no hạnh phúc.

Hội thảo được chia làm 2 phiên, gồm phiên 1 về Nhận diện Bản sắc Văn hóa Tây Ninh và phiên 2 về Nhận diện Truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh.


GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu tại Hội thảo

Với góc nhìn của mình, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận diện, Tây Ninh là một địa phương hiếm hoi của Nam Bộ có một bản sắc độc đáo thể hiện ở sự đa dạng phong phú về nguồn lực tới mức có thể xem là một Nam Bộ thu nhỏ. Trong một thời gian dài, bản sắc độc đáo này đã không được nhận diện đúng đắn, khiến cho nguồn lực bị phân tán, du lịch chỉ dừng lại chủ yếu ở việc khai thác lễ hội mang tính mùa vụ. Gần đây tuy đã khởi sắc, song du lịch Tây Ninh vẫn rơi vào hai nghịch lý thể hiện mâu thuẫn giữa bản sắc và tiềm năng với thực trạng khai thác. Với hai nghịch lý này, Tây Ninh khó lòng thực hiện được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

"Để thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi đề xuất một Chiến lược tăng tốc phát triển du lịch Tây Ninh được xây dựng trên cơ sở triết lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Tây Ninh gồm 3 phần là từ nhận diện bản sắc đến tích hợp nguồn lực đa dạng để tăng tốc phát triển du lịch. Triết lý này được hiện thực hóa bằng một Chương trình tăng tốc phát triển du lịch Tây Ninh dưới dạng hệ thống giải pháp với bốn dự án cơ bản. Một là Xây dựng Khu du lịch "Thủ đô Cách mạng miền Nam". Hai là Xây dựng Phức hệ du lịch Tòa thánh Cao Đài - Bảo tàng Tôn giáo Nam Bộ. Ba là Hoàn thiện Khu du lịch núi Bà Đen. Bốn là Xây dựng Khu ẩm thực và Khu du lịch đêm Tây Ninh. Sau khi hoàn tất vào năm 2030, Chương trình này sẽ giúp tăng tốc phát triển du lịch Tây Ninh, bảo đảm thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà" - GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm đúc kết.

Nói về Bản sắc Tây Ninh nhìn từ tài nguyên văn hóa, TS. Nguyễn Thị Hậu, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn cho rằng, Tây Ninh ngày nay là một vùng đất địa linh, có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tiềm năng về du lịch với nhiều điểm tham quan lý tưởng và tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư, khai thác. Tiềm năng đầu tiên phải nói đến là tài nguyên từ di sản lịch sử  - văn hóa. Từ vị thế địa - văn hóa và quá trình lịch sử của Tây Ninh trong bối cảnh Đông Nam Bộ (và cả Nam Bộ), có thể nhận thấy Tây Ninh có 3 đặc trưng - mà tiến sĩ gọi là các "ADN" - làm nên bản sắc văn hóa. Đó là vùng biên, đa dạng và sáng tạo. Nếu các ADN này biến mất hay biến dạng sẽ làm bản sắc riêng mất đi, khó có thể "nhận diện" vùng đất và Tây Ninh trong sự đa dạng văn hóa của đất nước, đồng thời khó khăn trong việc tạo dựng "thương hiệu địa phương" để phát triển trong thế giới phẳng toàn cầu.


Các đại biểu tham dự Hội thảo tham quan triển lãm hình ảnh về văn hóa Tây Ninh và trưng bày các nhạc cụ dân tộc

Thạc sĩ Phan Đình Dũng - Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, nhận định, đội ngũ nghệ nhân ở Tây Ninh đã góp phần rất lớn trong phát huy những loại hình văn hóa phi vật thể. Đội ngũ nghệ nhân là "báu vật nhân văn sống" cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong công tác phát huy, đặc biệt trong truyền dạy cho thế hệ trẻ. Mỗi nghệ nhân hay gia đình của họ chính là môi trường tốt để bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa của địa phương. Đợt phong tặng năm 2019, Tây Ninh có 7 nghệ nhân: Phạm Thị Đương, Phạm Thị Phải, Nguyễn Thị Nhiều (Nghề thủ công làm bánh tráng), Lê Văn Lập, Nguyễn Văn Long, Huỳnh Hữu Ngoan, Phan Thanh Trí (Nhạc lễ, đờn ca tài tử).

Thạc sĩ Phan Đình Dũng đề xuất cần có sự quan tâm kịp thời trong công tác thực hiện hồ sơ xét tặng đối với các cá nhân đủ tiêu chí theo quy định Nhà nước để được phong tặng chứ không "truy tặng", khuyến khích, phát huy được những "báu vật nhân văn sống". Những nghệ nhân được phong tặng cần có sự đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi trong môi trường làm việc thực tiễn để họ tiếp tục phát huy tài năng, cống hiến trên lĩnh vực của mình, góp phần chung trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản của địa phương.

Về vấn đề phát huy giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh thời kỳ hội nhập, TS. Nguyễn Thị Nguyệ t- Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những giá trị văn hóa gia đình tỉnh Tây Ninh vừa mang sắc thái tôn giáo, vừa mang truyền thống văn hóa dân tộc góp phần làm cho bản sắc văn hóa tỉnh Tây Ninh độc đáo và đa dạng so với các khu vực khác ở vùng Đông Nam Bộ. Gia đình truyền thống tỉnh Tây Ninh duy trì gia đình hai, ba thế hệ; thực hành tôn giáo, tín ngưỡng trong gia đình và luôn giữ gìn nền nếp phong tục tập quán…


PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ - Trưởng Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Hhoa học, Xã hội và Nhân văn phát biểu tại Hội thảo

Qua các ý kiến của các nhà khoa học và nhà nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ - Trưởng Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Hhoa học, Xã hội và Nhân văn đúc kết, hệ thống triết lý phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình Tây Ninh, chính là sự hội tụ, tiết nghĩa và khoan dung. Từ việc nhận diện được nét văn hóa đặc sắc này, tỉnh cần tích hợp nguồn lực đa dạng để tăng tốc phát triển cho du lịch, xây dựng Tây Ninh thành trung tâm du lịch văn hóa kết hợp giữa hành hương và du lịch sinh thái, về nguồn của cả vùng Nam bộ.


Đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh cho rằng Hội thảo đã giúp tỉnh nhận diện tiềm năng, thế mạnh cần phát huy, khai thác, tạo thành nguồn lực cho sự phát triển

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh bày tỏ sự cảm ơn đối với sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh đã dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa Tây Ninh để có những bài tham luận, ý kiến rất sâu sắc, sát thực với tình hình của tỉnh.

Thông qua đó giúp cho lãnh đạo tỉnh nhận diện rõ hơn nét đặc sắc, về văn hóa và truyền thống gia đình, nhận ra tiềm năng, thế mạnh của Tây Ninh cần phải phát huy, khai thác, tạo thành nguồn lực phát triển của tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng mong rằng trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan của tỉnh để tiếp tục có những hội thảo khoa học về nhiều góc độ khác nhau, nhằm giúp cho Tây Ninh có cơ sở hiểu rõ hơn, khai thác tối đa các tiềm năng lợi thế, phát huy tối đa các nguồn lực cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Chính Thuần


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây