Quang cảnh hội nghị
Lãnh đạo tham dự hội nghị
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 44 Tổ chức tín dụng bao gồm 23 Chi nhánh Ngân hàng thương mại, 01 Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 01 Chi nhánh ngân hàng Hợp Tác Xã, 01 Chi nhánh tổ chức tài chính vi mô và 18 Quỹ tín dụng nhân dân với tổng cộng 127 điểm hoạt động kinh doanh; trên địa bàn tỉnh có 207 ATM và 882 POS.
Trong Quý I/2023 diễn biến mặt bằng lãi suất trên địa bàn theo xu hướng giảm chung của các nước: Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,6% - 6% năm; có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng từ 5,4% - 9,5% năm; lãi suất có kỳ hạn trên 12 tháng từ 5,9% - 9,5% năm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe khái quát báo cáo về tình hình hoạt động của ngân hàng Tây Ninh quý I/2023. Trong những tháng đầu năm mặt bằng lãi suất huy động, cho vay có xu hướng giảm nhẹ. Vốn huy động ước đến cuối tháng 3/2023 đạt 61.900 tỷ đồng, tăng 0,6% so đầu năm và tăng 8,9% so cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,7% tổng dư nợ, tăng so với tỷ lệ 0,32% của đầu năm.
Dư nợ vay theo chương trình tính dụng cụ thể: cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 11.120 tỷ đồng, tăng 5,6% so đầu năm, tăng 10,2% so cùng kỳ; cho vay xuất khẩu đạt 1.971 tỷ đồng, giảm 9,2% so đầu năm, giảm 16,2% so cùng kỳ; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 8.276 tỷ đồng, tăng 3% so đầu năm, tăng 6,7% so cùng kỳ.
Dư nợ tín dụng chính sách ước đạt 3.495 tỷ đồng, tăng 2% so đầu năm; nợ xấu chiếm tỷ lệ 0,65% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ước đạt 52.900 tỷ đồng, tăng 1,8% so đầu năm, tăng 6,6% so cùng kỳ và chiếm 59,5% tổng dư nợ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng đánh giá cao những kết quả đạt được, sự đóng góp rất lớn của ngành ngân hàng, hệ thống các tổ chức tín dụng và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Dương Văn Thắng phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, những nội dung vượt thẩm quyền của địa phương, tham mưu UBND tỉnh có kiến nghị, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội về cơ chế điều hành trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả nhất.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để thông tin các cơ chế, chính sách, chủ trương, định hướng của ngành về công tác tín dụng; nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay ngân hàng, cũng như phối hợp với các sở, ngành tỉnh tham mưu UBND tỉnh xử lý những kiến nghị có liên quan đến những vấn đề thuộc về khó khăn, vướng mắc của địa phương.
Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung, trong việc cấp tín dụng nói riêng để kịp thời xử lý các đơn vị không tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động cho vay, cũng như làm khó doanh nghiệp khi cho vay, khi thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng theo các chính sách chung của nhà nước, ép mua bảo hiểm khi cho vay... theo đúng quy định, để tạo môi trường hoạt động tín dụng trên địa bàn công khai, thông suốt.
Các tổ chức tín dụng ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp. Ngành ngân hàng trên địa bàn thường xuyên đối thoại, trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để việc vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp được thuận lợi, phát triển sản xuất kinh doanh nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
DP