Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Việt Nam chính thức mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương cả nước, hoạt động du lịch có những tín hiệu khởi sắc. Năm 2022, lượng khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Lượng khách quốc tế đến với Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt (giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019), đạt 70% so với kế hoạch.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022; khách nội địa đạt 20 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng.
Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất.
Về hoạt động du lịch tại các địa phương trọng điểm được diễn ra khởi sắc, sôi động với nhiều sự kiện du lịch nổi bật, có sức lan tỏa cao. Nhiều địa phương ghi nhận lượng khách tăng vượt bậc so với năm trước. Nhiều hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh/thành phố được triển khai có hiệu quả, tạo tiền đề cho việc hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng, góp phần phục hồi ngành du lịch.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu quay lại thị trường; mở thêm nhiều dịch vụ, tăng kế hoạch kinh doanh hè để đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều doanh nghiệp đã đạt gần 70% kế hoạch kinh doanh của cả năm.
Mục tiêu năm 2023 đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8 triệu khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 650 nghìn tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta cần triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung suy nghĩ, nghiên cứu, đánh giá việc phát triển ngành du lịch đi đúng hướng chưa, đã tận dụng tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng; phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí, du lịch không thể phát triển một mình, du lịch không thể phát triển nếu hạ tầng, văn hóa không phát triển, du lịch không thể phát triển mạnh nếu công nghiệp văn hóa không phát triển mạnh, bền vững.
Do đó cần cơ cấu lại các hoạt động du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đẩy mạnh kết nối vùng miền, kết nối với cả nước và kết nối với khu vực, bảo đảm đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam gắn với phát triển xanh, bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động truyền thông, xây dựng cơ chế hợp tác trong và ngoài ngành, đẩy mạnh xã hội hóa xúc tiến quảng bá du lịch, đa dạng hóa thị trường khách du lịch, mở rộng các thị trường mới, còn ít đối thủ cạnh tranh, đẩy mạnh chuyển đổi số, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính tạo thuận lợi thúc đẩy du lịch góp phần quan trọng xây dựng đất nước và nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
ML