Đoàn Giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: quy hoạch phát triển năng lượng đảm bảo theo quy hoạch chung của tỉnh

Thứ năm - 09/03/2023 12:00 468 0
Chiều ngày 08/3, Đoàn Giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Phạm Hùng Thái – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đồng chí Dương Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng tham dự buổi giám sát.

Đoàn Giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc tại UBND tỉnh

Theo báo cáo của Sở Công Thương, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có nguồn năng lượng điện với tổng công suất 1.087,55MW. Trong đó, có 01 nhà máy năng lượng sinh khối công suất lắp đặt 31,5MW, chiếm tỷ lệ 2,9%; 02 nhà máy thuỷ điện tổng công suất lắp đặt 3MW, chiếm tỷ lệ 0,28%; 10 nhà máy điện năng lượng mặt trời, tổng công suất lắp đặt 808MW và 4.260 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất lắp đặt 245,05MW, chiếm tỷ lệ 96,82%. Tổng công suất phát của các nguồn điện trên địa bàn tỉnh khoảng 1.737,37 triệu kWh/năm, đáp ứng khoảng 31,73% nhu cầu phụ tải của tỉnh. Riêng trong năm 2022, điện thương phẩm của tỉnh là 5.475,10 triệu kWh điện.

Trong giai đoạn 2016 – 2021, tỉnh Tây Ninh chỉ phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời, cụ thể: 10 nhà máy điện năng lượng mặt trời, tổng công suất lắp đặt 808MW và 4.260 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất lắp đặt 245,05MW. Ngoài ra, tỉnh đang triển khai 02 dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 5.1 và 5.2 với tổng công suất lắp đặt 450MW. Tổng công suất phát các hệ thống điện mặt trời hiện hữu (bao gồm điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà) trung bình 1.679,86 triệu kWh/năm, đáp ứng khoảng 30,6% nhu cầu phụ tải của tỉnh. Theo số liệu khảo sát, công suất điện năng lượng mặt trời có thể lắp đặt trên địa bàn tỉnh lên đến 7.721 MW, đáp ứng được các khối lượng điện năng lượng mặt trời đã được phê duyệt trong quy hoạch điện. Tất cả các dự án nhà máy điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đang vận hành và đang triển khai đều có trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh phù hợp với việc chiến lược phát triển năng lượng bền vững trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh.

Đồng chí Dương Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị một số nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh

Hiện nay, một số Doanh nghiệp trong các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất trên địa bàn tỉnh đã đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà sử dụng trong sản xuất theo cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam từng bước thực hiện theo cơ chế chuyển dịch năng lượng. Theo đánh giá, Tây Ninh có tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời rất lớn do đó các dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương. Khó khăn lớn nhất trong việc phát triển điện năng lượng mặt trời là độ ổn định công suất phát, công suất phát phụ thuộc vào thời tiết.

Hằng năm, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và danh sách khách hàng sử dụng điện quan trọng ưu tiên cấp điện làm cơ sở cho ngành điện thực hiện việc cung cấp điện. Giai đoạn 2016 – 2021, tình hình cung cấp điện trên địa bàn tỉnh ổn định, ngành điện đã cung cấp 22.245,9 triệu kWh điện đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, hằng năm UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường việc thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn. Kết quả mang lại hiệu quả tích cực trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, cụ thể: Giai đoạn 2016 – 2021, toàn tỉnh đã tiết kiệm được 470.79 triệu kWh, trong đó: 67,43 kWh điện (năm 2016), 58,87 kWh điện (năm 2017), 63,28 triệu kWh điện (năm 2018), 70,42 triệu kWh điện (năm 2019), 104,39 kWh điện (năm 2020) và 106,40 kWh điện (năm 2021).

Đồng chí Hoàng Thị Thanh Thúy – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao đổi thảo luận

Tại buổi Giám sát, các thành viên trong Đoàn Giám sát cùng đại biểu tham dự trao đổi thảo luận, làm rõ các vấn đề về quy hoạch phát triển điện, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc phát triển năng lượng; công tác quản lý nhà nước và công tác tuyên truyền đảm bảo thực hiện theo quy định pháp luật khi triển khai thực hiện các dự án phát triển điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh,…

Đồng chí Nguyễn Tấn Hùng – Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh phát biểu giải trình một số nội dung của Đoàn Giám sát

Đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn Giám sát ghi nhận sự phối hợp của các ngành đảm bảo thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong thời gian qua; UBND tỉnh đã triển khai đáp ứng yêu cầu của Đoàn Giám sát đề ra, phối hợp tốt cùng Đoàn Giám sát khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp và các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn Giám sát phát biểu kết luận

Đồng chí Trưởng đoàn Giám sát ghi nhận các kiến nghị của UBND tỉnh và đề nghị trong thời gian tới thực hiện rà soát, tổng hợp đánh giá kết quả đầu tư, phát triển nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh; tích hợp quy hoạch phát triển năng lượng địa phương vào quy hoạch chung của tỉnh; đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng, môi trường…; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển năng lượng tại địa phương. Song song đó, UBND tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, phát triển nguồn năng lượng xanh, tiết kiệm.

 Mạnh Nhân

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây