Quang cảnh buổi hội nghị
Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh và thành viên Ban chỉ đạo tỉnh.
Sau khi tiếp thu ý kiến của các sở, ngành, lãnh đạo địa phương, quan điểm về quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thống nhất ở khía cạnh tiếp cận cân bằng có trọng tâm giữa các yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường, được điều chỉnh bằng công cụ chính sách; tầm nhìn xa, lộ trình vừa sức và có tính linh hoạt cao; quản trị công với tinh thần doanh nghiệp; xây dựng Tây Ninh xanh; phát triển thông qua hiệu suất, giảm lệ thuộc vào tài nguyên, thiên nhiên; có chiến lược gia nhập thị trường một cách chủ động.
Đơn vị tư vấn đưa ra 3 kịch bản quy hoạch phát triển cho Tây Ninh, đồng thời đề xuất các chương trình hành động, trong đó có các chương trình đột phá mà Tây Ninh đang thực hiện như đột phá về hạ tầng, về phát triển nguồn nhân lực, về thể chế, phát triển nông nghiệp chất lượng cao; ngoài ra còn phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; hướng tới phát triển Tây Ninh xanh - sạch,…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng góp ý tại hội nghị
Từ ý tưởng, các kịch bản được đề xuất bởi đơn vị tư vấn, các chuyên gia, thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, lãnh đạo các địa phương cùng thảo luận lựa chọn kịch bản tăng trưởng của tỉnh, danh mục dự án ưu tiên và chương trình hành động, việc phân bổ tối ưu nguồn lực (tài nguyên, công nghệ, lao động, vốn) và ưu tiên chiến lược phát triển, giải pháp quy hoạch không gian cùng lộ trình thực hiện. Có ý kiến đề nghị đặt trọng tâm, trọng điểm vào phát triển du lịch của tỉnh; cần đột phá về công tác đầu tư; làm rõ từng kịch bản, biện pháp, nhất là đóng góp của các nguồn lực cho sự phát triển tới đây, đặc biệt là nguồn lực về đất đai; có biện pháp phát huy thế mạnh của tỉnh với nhiều cửa khẩu, tiềm năng giao thương kinh tế biên mậu rất lớn…
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cho rằng với nhiều nội dung còn chưa được thực hiện, đơn vị tư vấn cần phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu để có được lộ trình cụ thể nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng của quy hoạch; cần phân tích đánh giá hiện trạng, đề xuất phương án, các ý kiến cần được ghi nhận đầy đủ để phân tích, đề xuất nội dung hoàn thiện báo cáo giữa kỳ, trong đó, với sự đề xuất của đơn vị tư vấn, các sở ngành cần nghiên cứu thể hiện quan điểm, chính kiến để quy hoạch được lập ra mang tính khả thi cao nhất.
Kết thúc buổi tham vấn, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho rằng, hội nghị đã có nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, các địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo gợi mở những vấn đề để đơn vị tư vấn có thêm thông tin xem xét nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo giữa kỳ, đáp ứng yêu cầu tỉnh đặt ra.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn ghi nhận tiếp thu đầu đủ các ý kiến để chắt lọc, nghiên cứu hoàn thiện báo cáo giữa kỳ chặt chẽ, đầy đủ, có chất lượng và tính khả thi cao, đáp ứng cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới với yêu cầu tăng tốc phát triển kinh tế, thu ngắn khoảng cách với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trên cơ sở ý kiến của các địa phương, sở, ngành, tư vấn cần đưa ra kịch bản tối ưu nhưng, dù với phương án, kịch bản nào thì cũng phải hướng đến tăng trưởng kinh tế, GDP đầu người của tỉnh giai đoạn tới ít nhất bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Trong quá trình xây dựng quy hoạch, cần đánh giá sâu hơn thực trạng kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới và hiện tại, làm rõ nguyên nhân của những bất cập, đề ra giải pháp; nghiên cứu, bổ sung, bám sát các căn cứ để xây dựng quy hoạch, nhất là nghiên cứu thêm về định hướng vùng của thành phố Hồ Chí Minh, định hướng phát triển về kinh tế đối ngoại.
Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu nhận diện cho được vị trí, vai trò của Tây Ninh, tiềm năng lợi thế trong mối quan hệ trong vùng và cả nước; nhận diện rõ hơn tiềm năng, lợi thế, động lực để có giải pháp khai thác, xác định rõ định hướng các giải pháp trong từng giai đoạn bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng nguồn lực của địa phương. Xác định cơ hội và thách thức, đặc biệt là những mâu thuẫn, bất cập trong quá trình phát triển, bảo đảm hài hòa các yếu tố quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế; bổ sung nội dung đánh giá tổng thể về tác động môi trường; nghiên cứu thêm về tiềm năng phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên các trục cao tốc mà tỉnh đang dự kiến phát triển, các khu vực dọc sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ, đặc biệt là tại các điểm giao thoa giữa Tây Ninh với Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh), các tỉnh Bình Dương, Long An, Bình Phước, các hành lang kết nối.
Khi xác định giải pháp, nguồn lực cần xác định thứ tự ưu tiên để dễ thực hiện hơn; sớm tham mưu đề xuất hội nghị một cách toàn diện hơn, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế đầu ngành ở các lĩnh vực khác nhau, kể cả nhà đầu tư chiến lược để có thêm nhiều thông tin, dữ liệu, giúp nhận diện đúng vị trí, vai trò, tiềm năng lợi thế của Tây Ninh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị tư vấn cần bảo đảm tiến độ và chất lượng công tác xây dựng quy hoạch. cùng với đó, các đơn vị liên quan cần xác định trách nhiệm cụ thể khi thực hiện, bảo đảm trong tháng 6,7 hoàn chỉnh để lấy ý kiến bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh theo kế hoạch xong vào 31/12/2022.
XV