Ông Trịnh Đình Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh
Tại điểm cầu Tây Ninh, ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự hội nghị.
Qua báo cáo tổng kết công tác năm 2018 của Bộ Giao thông Vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trình bày tại hội nghị cho thấy, thực hiện phương châm hành động "Siết chặt kỷ cương, chung tay xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, hiệu quả", năm 2018, ngành Giao thông vận tải nỗ lực khắc phục khó khăn hoàn thành 100% chương trình công tác năm.
Sản lượng vận tải năm 2018 ước đạt 1.634 triệu tấn hàng, tăng 10% so với năm 2017; đạt 4.641 triệu lượt hành khách, tăng 10,7% so với năm 2017. Khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 306 tỷ tấn.km, luân chuyển hành khách ước đạt 207 tỷ lượt hành khách.km; tăng 7,6% về luân chuyển hàng hóa và tăng 10,9% về luân chuyên hành khách so với năm 2017. Trong đó, thị trường hàng không Việt Nam năm 2018 tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định, số hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay ước đạt 104 triệu lượt người, tăng 10,4% và số lượng hàng hóa ước đạt 1,5 triệu tấn, tăng 8,9% so với năm 2017. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 50 triệu hành khách, tăng gần 11% và gần 410 ngàn tấn hàng hóa, tăng 28% so với năm 2017.
Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng thế giới, Chỉ số năng lực quốc gia về logistics năm 2018 của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia điều tra (tăng 25 bậc so với hạng 64/160 của năm 2016). Tất cả 6 tiêu chí đánh giá về logistics năm 2018 đều tăng vượt bậc so với năm 2016.
Về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tình hình tai nạn giao thông trên toàn quốc năm 2018 giảm cả ba tiêu chí, số vụ, số người chết và số người bị thương. Theo số liệu thống kê từ ngày 16/11/2017 đến ngày 15/11/2018, toàn quốc xảy ra 18.736 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người. so với cùng kỳ năm 2017, giảm 1.348 vụ, giảm 33 người chết, giảm 2.238 người bị thương; xảy ra 82 sự cố ở lĩnh vực hàng không dân dụng; xảy ra 107 vụ ùn tắc giao thông kéo dài, tăng 20 vụ so với năm 2017.
Bộ Giao thông Vận tải đã tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm của ngành như: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, dự án xây dựng cầu Hưng Hà, các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Bến Lức-Long Thành, Trung Lương-Mỹ Thuận, dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông…kịp thời hoàn thành 27 dự án đưa vào khai thác, hoàn thành công tác chuẩn bị, triển khai thi công 16 dự án khác. Trong đó, việc chuẩn bị triển khai một số dự án trọng điểm của ngành Giao thông vận tải là một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng Càng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam đang được Bộ thực hiện theo quy trình. Giải ngân các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông năm 2018 ước đạt 33.785 tỷ đồng, đạt 92,99% kế hoạch; tiếp tục tăng cường xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, quyết toán các dự án hoàn thành.
Bộ Giao thông Vận tải còn tích cực thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, qua kiểm tra rà soát, ngành cắt giảm 80/134 sản phẩm kiểm tra chuyên ngành, đơn giản 7 thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, phê duyệt Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải với số thủ tục được cắt giảm, đơn giản hóa là 201 thủ tục/486 thủ tục.
Năm 2019, ngành đặt ra những chỉ tiêu chủ yếu như: ở lĩnh vực vận tải, phấn đấu tăng trưởng bình quân từ 8-9% về tấn hàng hóa và lượt hành khách so với năm 2018; lĩnh vực kế hoạch đầu tư phát triển, hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2019 với số vốn dự kiến giải ngân là 28.912,032 tỷ đồng; thực hiện Năm An toàn giao thông 2019 với chủ đề "An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy" triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết tâm giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả ba tiêu chí so với năm 2018; kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của ngành Giao thông vận tải đóng góp tích cực vào thành quả chung cả nước trong năm 2018.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2019 là năm thứ 4 thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2016-2020 và là năm thứ 9 thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020). Bối cảnh trong nước, quốc tế bên cạnh những mặt thuận lợi còn rất nhiều khó khăn, thách thức, diễn diến phức tạp, khó lường. Hoàn cảnh đó đặt ra cho ngành Giao thông vận tải nói chung và Bộ Giao thông Vận tải nói riêng những nhiệm vụ hết sức nặng nề để tiếp tục có sự đột phá về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phó Thủ tướng đặt ra nhiệm vụ cho ngành Giao thông vận tải là cần đặc biệt chú trọng công tác rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật chuyên ngành nhằm tăng hiệu quả quản lý; tập trung rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; quyết liệt chỉ đạo triển khai xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm quy hoạch đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển và đường thủy nội địa; lưu ý xây dựng lộ trình thực hiện dự án đầu tư gắn với kế hoạch hóa nguồn vốn đầu tư và xác định cơ cấu nguồn vốn, xác định các dự án ưu tiên đầu tư làm cơ sở để thực hiện đầu tư xây dựng. Phó Thủ tướng yêu cầu đầu tư xây dựng giao thông nông thôn phải gắn liền với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn; Bộ nghiên cứu để có cơ chế phù hợp để huy động nguồn lực; đồng thời có giải pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra với hạ tầng giao thông, nhất là ở nông thôn.
Trước tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp những ngày đầu năm, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương rà soát các quy định, phương pháp tổ chức, phân luồng giao thông; phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương để triển khai các biện pháp tổng thể nhằm kéo giảm tai nạn giao thông cả năm 2019 và những năm tiếp theo, trước mắt là dịp nghỉ tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân năm 2019.
XV