Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Thứ năm - 10/01/2019 17:00 69 0
Chiều ngày 09/01/2019, tại hội trường VNPT Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Mai Thị Lệ tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Cùng tham dự tại điểm cầu Tây Ninh, còn có lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các trưởng, phó Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, ban giám hiệu các trường phổ thông trên địa bàn.

​Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.

ongtansogiaoduc.jpg

Lãnh đạo tỉnh tham dự tại điểm cầu Tây Ninh

Ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDDT về Chương trình giáo dục phổ thông, gồm chương trình tổng thể; các chương trình môn học và hoạt động giáo dục của cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông. Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/02/2019.

Chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo lộ trình như sau: từ năm học 2020-2021 thực hiện đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 thực hiện đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024-2025, đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.  

Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới được giới thiệu tại hội nghị, Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình, quy định những vấn đề chung nhất, có tính chất định hướng của chương trình giáo dục phổ thông), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục (xác định vị trí, vai trò môn học và hoạt động giáo dục trong thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông). Chương trình giáo dục phổ thông nhằm hình thành và phát triển các năng lực chung (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm), năng lực đặc thù của học sinh (như năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học…), và phát hiện, bồi dưỡng những năng lực đặc biệt (năng khiếu) của học sinh.

Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông gồm môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học tự chọn và môn học lựa chọn, với tất cả 20 môn học.

Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Giai đoạn giáo dục cơ bản nhằm trang bị cho học sinh tri thức, kỹ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt của xã hội tương lai; đáp ứng yêu cầu phân luồng sau trung học cơ sở theo các hướng: học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng cho từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.

Để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện khảo sát thực trạng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, thực trạng cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học và có những chỉ đạo, chủ trương để có sự chuẩn bị về điều kiện tốt nhất khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

hoiturongvnpt.jpg

Quang cảnh hội nghị ở điểm cầu Tây Ninh

Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Bộ sớm ban hành cụ thể danh mục các thiết bị giáo dục cho từng lớp để địa phương kịp đưa vào dự toán đầu tư công của giai đoạn tới; quan tâm tiến hành sớm bồi dưỡng giáo viên; với các thành phố lớn có sĩ số lớp đông, Bộ cần sớm có hướng dẫn địa phương chuẩn bị…

Để giải đáp những băn khoăn của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngay sau hội nghị, các vụ, cục sẽ có hướng dẫn cụ thể công việc phải làm, lộ trình phân công, phân cấp, phối hợp rõ ràng để có thể triển khai nhịp nhàng. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ nhà giáo - lực lượng quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục này, cần phải giảm áp lực và tạo động lực cho đội ngũ giáo viên thực hiện tốt những yêu cầu trong thực hiện Chương trình giáo dục mới, nhất là giảm gánh nặng thủ tục hành chính, hồ sơ sổ sách, rà soát đăng ký thi đua trên cơ sở thiết thực. Thời gian tới, Bộ sẽ có chế tài kiểm tra, thanh tra để các hiệu trưởng, hiệu phó tăng cường kỹ năng quản trị nhà trường, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường giáo dục thân thiện, đổi mới, tránh gây bức xúc, dồn nén cho giáo viên.

Bộ trưởng nhấn mạnh thành công của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới phụ thuộc nhiều vào sự chỉ đạo sâu sát, sự hợp tác, cộng đồng trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các sở, phòng giáo dục, hiệu trưởng các trường phổ thông, do đó, các cơ quan, đơn vị cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong triển khai thực hiện.

XV



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây