Các đại biểu tham dự hội thảo
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, các diễn giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các trường đại học, viện nghiên cứu, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, các hợp tác xã nông nghiệp, nông dân tiêu biểu trên địa bàn đến tham dự.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến nhấn mạnh trước tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, biến đổi khí hậu toàn cầu, những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước, nông nghiệp, nông thôn Tây Ninh sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải giải quyết bài toán nâng cao giá trị gia tăng các ngành hàng để phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh, vấn đề liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cũng như kiểm soát chất lượng nông sản trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường nhằm thực hiện mục tiêu từng bước đưa "Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm sản xuất, chế biến nông sản hiện đại, chất lượng cao của cả nước, một hình mẫu đi lên làm giàu bằng nông nghiệp" như kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Tây Ninh vào tháng 8/2018.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên thì việc quy hoạch sản xuất theo chuỗi giá trị các cụm ngành nông nghiệp là yêu cầu bắt buộc, hội thảo này sẽ phân tích, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất theo chuỗi giá trị của Tây Ninh, định hướng sản xuất trong tương lai nhằm thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân để vươn lên làm giàu bằng nông nghiệp. Hội thảo cũng đặt ra những yêu cầu cho việc hoạch định và thực thi chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Tây Ninh trong thời gian tới, làm cho nông sản Tây Ninh đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Đồng thời, tại hội thảo, các đại biểu sẽ cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tạo tiếng nói chung để động viên, khích lệ nông dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, vì đây là xu hướng tất yếu mà nông dân không thể đứng ngoài nếu muốn phát triển.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên trường đại học Fulbright phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên trường đại học Fulbright trình bày tổng quan Đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh. Theo đó, để khắc phục các nguyên nhân, các "nút thắt" trong phát triển ngành nông nghiệp, Đề án tập trung vào định hướng nhóm các loại cây trồng, vật nuôi cùng với chuỗi giá trị theo ba nhóm, gồm nhóm khuyến khích phát triển, nhóm duy trì, nhóm không khuyến khích và giảm dần. Tỉnh sẽ hỗ trợ tạo dựng những cơ sở hạ tầng và chính sách để phát triển các nhóm sản phẩm. Trên cơ sở phân tích về lực lượng lao động nông nghiệp, giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp chính (lúa, mì, mía, cao su, cây ăn trái, rau củ quả, chăn nuôi) những năm qua và dự đoán giá trị gia tăng đến năm 2020, định hướng 2030 cùng với những hoạch định, hướng đi mới cho cụm ngành nông nghiệp của tỉnh.
Các đồng sự của tiến sĩ cũng trình bày cụ thể về chuỗi giá trị và cụm ngành chăn nuôi, cụm ngành trồng trọt tỉnh qua để các đại biểu có cái nhìn khái quát định hướng cây trồng, vật nuôi theo chuỗi giá trị trong thời gian tới.
Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu
Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu các giải pháp phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với các nội dung như: thu hút đầu tư doanh nghiệp nông nghiệp tiên phong gắn với vùng quy hoạch, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổ chức lại sản xuất; phát triển các mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tăng cường thu hút, đào tạo tri thức cho nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy phát triển công nghệ 4.0; rà soát hoạt động tài chính, đầu tư, thị trường.
Đại diện Công ty Lavifood trình bày tham luận về cách làm của doanh nghiệp trong phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp ở Tây Ninh; tiến sĩ Trần Công Thắng, Viện phó Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn tham luận về những chủ trương, chính sách có tính chiến lược của cả nước về phát triển ngành nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị; đại diện Công ty TNHH Tư vấn quản lý và phát triển ASEAN (ASEC) tham luận về những khả năng và cách thức hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tham luận về những định hướng và thách thức trong phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp, nhất là thu hút doanh nghiệp đầu tàu, tạo đột phá trong xây dựng nông nghiệp công nghệ cao.
GS.TS Võ Tòng Xuân
GS.TS Võ Tòng Xuân góp ý kiến tại hội thảo để trả lời câu hỏi "trồng cây gì, nuôi con gì và làm thế nào", dành sự quan tâm đặc biệt đến chất lượng nguồn giống cây trồng (cây mía, cây lúa…); đề cao vai trò của cây mía, làm sao để gia tăng giá trị cho cây mía. Để làm được điều này, giáo sư đề nghị cần phải thay đổi nhận thức của người trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đề xuất tỉnh cần nghiên cứu phân tích loại đất để chọn loại trồng cây thích hợp; chuỗi giá trị cần có đầu ra, nhưng dẹp bớt thương lái, phải đi thẳng vào các doanh nghiệp; xác định thị trường rồi mời doanh nghiệp hợp tác đầu tư. Làm được như vậy, tương lai xán lạn cho Tây Ninh ở phía trước.
Bà Lâm Thị Có, HTX sản xuất, thương mại, dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) đóng góp ý kiến
Một số ý kiến khác nêu các vấn đề về định hướng của cây mía, những khó khăn của nông dân khi đầu tư phát triển sản xuất; khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các chính sách cùng với kiến nghị tỉnh cần có chính sách cụ thể, rõ ràng để cho nông dân, các hợp tác xã được hưởng các ưu đãi nâng cao hoạt động và chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.
Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của đại biểu tại hội thảo, sẽ bổ sung, hoàn chỉnh Đề án làm cơ sở cho phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh nhà trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
XV