Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh hội thảo lấy ý kiến về Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Thứ tư - 09/10/2019 09:00 100 0
Chiều ngày 8/10, Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, các cấp công đoàn trong hệ thống công đoàn về Bộ luật Lao động (sửa đổi).

ldld-layykien0.jpg

Quang cảnh buổi hội thảo

Đến dự có đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh.

ldld-layykien1.jpg

Đồng chí Phan Thị Hồng Đào - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh phát biểu tại buổi hội thảo

Đồng chí Phan Thị Hồng Đào - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì buổi hội thảo, phát biểu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này, nhằm phù hợp với sự phát triển của đời sống xã hội, hội nhập quốc tế, nhất là khi nước ta tham gia vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến độ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các cam kết quốc tế về lĩnh vực lao động mà Việt Nam là thành viên.

Đồng chí đề cập đến một số nội dung trong dự thảo Bộ luật Lao Động (sửa đổi) lần này còn có ý kiến khác nhau có liên quan trực tiếp đến đoàn viên, công nhân lao động, để các đại biểu góp ý, như vấn đề tuổi nghỉ hưu, vấn đề tiền lương tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, một số nội dung đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới; thời giờ làm việc; thời gian nghỉ lễ tết; tranh chấp lao động và đình công…

ldld-layykien2.jpg

Đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh phát biểu tại hội thảo

Đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đã phân tích, làm rõ thêm cho các đại biểu về các vấn đề còn khác nhau đối với các nội dung đề cập trong buổi hội thảo để đại biểu có thêm thông tin, góc nhìn và có những đóng góp xác đáng, rõ nét.

Đại diện các ngành có liên quan, nhất là các cán bộ công đoàn nêu nhiều ý kiến, đa số đồng tình với đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng thêm hai ngày nghỉ, cộng thêm một ngày nghỉ lễ do Chính phủ đề xuất là tổng cộng tăng thêm ba ngày nghỉ lễ nữa cho người lao động, và đề nghị cụ thể nghỉ tết Dương lịch thêm một ngày hoặc nghỉ ngày lễ Quốc khánh thêm một ngày, nghỉ nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hai ngày, tạo điều kiện cho gia đình có thời gian dành cho nhau, cùng sinh hoạt, vui chơi.  

Đại diện công đoàn ngành Y tế có ý kiến đồng tình về phương án giảm giờ làm việc bình thường, từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần để người lao động nâng cao sức khỏe; có thêm thời gian học tập, nâng cao trình độ; có cơ hội nâng cao thu nhập; có thời gian để cân bằng cuộc sống cá nhân và việc làm cũng như xử lý các quan hệ gia đình, xã hội; có thời gian chăm sóc gia đình, con nhỏ, vì một tương lai tốt đẹp hơn của thế hệ trẻ như đánh giá tác động chính sách của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nêu.

 Về độ tuổi nghỉ hưu, các đại biểu cùng chung ý kiến thống nhất phương án 1 của dự thảo: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Đề nghị đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung. Đại biểu nêu cụ thể như người lao động ngành y tế, ngành giáo dục, dệt may cần được xem xét nghỉ hưu sớm, vì nếu đến theo đúng độ tuổi quy định cũng không đủ sức khỏe đảm đương công việc. Đại biểu cho rằng lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại phương án 1 sẽ giúp cho người lao động và doanh nghiệp có thời gian thích nghi và không gây sốc cho thị trường lao động.

ldld-layykien3.jpg

Đại diện Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh đề nghị trong Bộ luật cần thể hiện vai trò của tổ chức bảo vệ người lao động trong tình hình mới

Đồng chí Phan Thị Hồng Đào - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh phát biểu kết luận buổi hội thảo, ghi nhận 13 lượt ý kiến và cho biết, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp và đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị với Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao Động nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của công nhân, viên chức lao động theo đúng nguyên tắc, yêu cầu đề ra trong thời kỳ mới.

Song Trần

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây