Sáng ngày 10/10, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức tọa đàm về Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành tương đương và UBND các huyện, thành phố (gọi tắt là DDCI) thuộc tỉnh Tây Ninh.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi tọa đàm. Cùng tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp Tây Ninh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ trình bày những nội dung chính của Bộ chỉ số
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, trên cơ sở Bộ Chỉ số PCI cấp tỉnh, tỉnh xây dựng Bộ Chỉ số DDCI nhưng tập trung khảo sát đánh giá các chỉ số thành phần có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các chỉ số mà tỉnh đang ở thứ hạng chưa cao cần có sự cải thiện quyết liệt. theo đó, Sở Nội vụ tham mưu xây dựng 7 chỉ số thành phần dành cho các sở, ngành (gồm Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo; Cạnh tranh bình đẳng; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Thiết chế pháp lý).
Với UBND huyện, thành phố, ngoài 7 chỉ số thành phần như của sở, ngành còn thêm 3 chỉ số nữa là chỉ số Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Đào tạo lao động.
Đối tượng được khảo sát là các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh; các nhà đầu tư đến khảo sát và làm việc tại tỉnh.
Phương pháp được sử dụng nhằm thu thập dữ liệu được thực hiện qua 4 hình thức, gồm khảo sát bằng phiếu (bản giấy) thông qua đường bưu điện; khảo sát trực tiếp tại Trung tâm Hành chính công trực thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh; Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả tại UBND các huyện, thành phố; Khảo sát bằng phiếu điện tử trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh và khảo sát qua phỏng vấn trực tiếp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh Nguyễn Thị Hoàng Oanh phát biểu tại buổi tọa đàm
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Kiều Công Minh góp ý vào Bộ chỉ số
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu trao đổi, thảo luận, thống nhất cần thiết phải ban hành Bộ chỉ số này nhằm kịp thời đánh giá năng lực cạnh tranh của cấp sở, ngành tương đương và UBND các huyện, thành phố. Để Bộ chỉ số có tính thực tiễn và hiệu quả, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến đối với những chỉ số cụ thể trong từng chỉ số thành phần, về những băn khoăn cũng như tính khả thi trong thực hiện của các chỉ số Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Đào tạo lao động; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo; Tính minh bạch…cần rõ ràng, cụ thể và sát với nhiệm vụ của cấp sở, ngành và UBND cấp huyện.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu và giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đã được các đại biểu đề cập; đồng thời thông tin thêm, dự kiến Bộ chỉ số này sẽ được thực hiện vào năm 2020. Bước đầu sẽ có 10 sở, 5 ban, ngành và 9 huyện, thành phố có chức năng nhiệm vụ liên quan nhiều đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là đối tượng đánh giá của Bộ chỉ số.
Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng mục tiêu của Bộ chỉ số này là cải thiện được môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế phát triển. Với mục tiêu đó, đồng chí đánh giá những ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm là xác đáng, làm cơ sở để cơ quan tham mưu điều chỉnh, bổ sung lại cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của huyện, của sở, ngành.
Đồng chí đề nghị Sở Nội vụ tiếp tục tham khảo thêm kinh nghiệm của các tỉnh đã thực hiện hiệu quả, tiếp thu các ý kiến đóng góp tại tọa đàm, rà soát lại các tiêu chí cho phù hợp; nghiên cứu, đưa ra những tiêu chí mang tính chất chung nhất cho các sở ngành, như tính cạnh tranh, minh bạch; mức độ nhũng nhiễu tiêu cực; ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tháo gỡ vướng mắc khó khăn….Đồng chí cũng lưu ý, quá trình thực hiện cần có sự đánh giá nhiều chiều từ phía cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân; có thể để huyện, thành phố đánh giá sở, ngành và ngược lại để tạo sự khách quan, công khai, công bằng.
Hoàng Giang