Tổng kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021

Thứ tư - 29/09/2021 06:00 128 0
Sáng ngày 28/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021 và mít tinh Ngày Thế giới phòng, chống bệnh Dại (ngày 28/9 hàng năm).


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. 

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các cơ quan liên quan. Hội nghị được trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, sau gần 5 năm triển khai, Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021 (ở lĩnh vực y tế) đạt được một số kết quả nhất định, tỷ lệ tử vong năm sau giảm hơn năm trước. Chương trình nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế (như WHO, FAO, CDC), sự phối hợp giữa các cơ quan thú y và y tế trong công tác phòng, chống bệnh Dại. Tuy vậy vẫn chưa đạt được mục tiêu của Chương trình đề ra, kết quả đạt được chưa bền vững.

Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, mục tiêu chung của Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021 là khống chế bệnh Dại trên đàn chó nuôi và trên người vào năm 2021 nhằm tiến tới loại trừ bệnh Dại. Trong thời gian qua, các cơ quan Trung ương và địa phương trên cả nước đã có nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống bệnh Dại.

Với đặc tính riêng biệt, đối tượng mắc bệnh chính là chó, ngoài ra bò, bê cũng mắc bệnh. Trong giai đoạn 2017 - 2021, công tác quản lý đàn chó được triển khai thực hiện tại 63/63 tỉnh, thành phố; có 95% số xã, phường có báo cáo danh sách hộ nuôi chó. Tổng đàn chó trung bình mỗi năm là trên 7,5 triệu con, được nuôi tại hơn 4,9 triệu hộ gia đình.

Trong giai đoạn 2017 - tháng 8/2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh Dại tại 52/63 tỉnh, thành phố. Trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016.

Miền Bắc ghi nhận số người tử vong vì bệnh Dại cao nhất (chiếm hơn 39% của cả nước), tiếp đến là miền Trung (chiếm gần 36%), thấp nhất ở các tỉnh miền Nam (chiếm gần 25%). Tuy nhiên, trong 2 năm (2020 - 2021) bệnh Dại có xu hướng gia tăng rõ rệt tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền Nam, giảm ở miền Bắc và miền Trung. Số ca tử vong do bệnh Dại tại các tỉnh trọng điểm của giai đoạn 2011 - 2016 đã giảm từ 14 tỉnh xuống 6 tỉnh trong giai đoạn 2017 - 2021.

Thời gian qua, các địa phương đã xử lý 15.082 trường hợp (trung bình 3.016 trường hợp/năm) chó nuôi không đeo rọ mõm, không xích nhốt và chó nghi mắc bệnh Dại. Cùng với các địa phương (như Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, An Giang và Đồng Tháp), Tây Ninh được đánh giá thực hiện tốt công tác quản lý chó nuôi. Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm các quy định về quản lý chó nuôi tại một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng chưa đủ mức răn đe đối với chủ vật nuôi nên vẫn còn hiện tượng chó thả rông, chó không đeo rọ mõm, chó không tiêm phòng và cắn người vẫn còn xảy ra.

Trong giai đoạn 2017 - 6/2021, tổng cộng có hơn 2,5 triệu người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, tăng 28% so với giai đoạn 2012 - 2016.

Về cơ bản tất cả các nội dung và giải pháp trong Chương trình quốc gia đã

được các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức triển khai kịp thời, đạt hiệu quả. Mục tiêu chung của Chương trình quốc gia đã đạt được. Các mục tiêu cụ thể cũng cơ bản đáp ứng yêu cầu và đạt được các kết quả nổi bật như: không xuất hiện ổ dịch bệnh Dại nghiêm trọng ở động vật; năng lực giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch bệnh Dại được tăng cường rõ rệt; tỷ lệ đàn chó được tiêm vắc xin phòng bệnh Dại tăng từ 38,5% lên 49,2%; đã hình thành được 14 vùng an toàn bệnh Dại; tăng nhận thức của người dân về bệnh Dại, tăng 21% số người bị chó cắn tự giác đi điều trị dự phòng; giảm 30% số tỉnh có nguy cơ cao về bệnh Dại và tăng 20% số mẫu xét nghiệm chủ động trên người, động vật…

Các đại biểu tham dự Hội nghị được nghe thông qua và góp ý dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022-2030 với mục tiêu kiểm soát được bệnh Dại trên đàn chó, mèo nuôi; phấn đấu không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030. Quản lý số hộ nuôi chó, mèo, số chó, mèo nuôi đạt trên 70% trong giaia đoạn 2022-2025 và đạt trên 90% trong giai đoạn 2026-2030. Tổng số chó, mèo được tiêm phòng vắc xin Dại đạt 70% so với tổng đàn đối với giai đoạn 2022-2025 và đạt 80% đối với giai đoạn 2026-2030…


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận hội nghị


Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh bệnh Dại để lại hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe con người và phát triển du lịch, tốn kém chi phí để chữa bệnh. Để đạt mục tiêu đến năm 2030 không có ca tử vong và 4 mục tiêu cụ thể trong phòng chống bệnh Dại ở động vật và 5 mục tiêu trong phòng, chống bệnh Dại ở người, đã có 14 giải pháp được đề ra.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, các biện pháp đã có, trọng tâm là công tác tổ chức thực hiện, trong đó vai trò quan trọng của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền. Ngoài ra, các địa phương cần chú ý công tác tiêm vắc xin, quản lý đàn chó, xử lý nghiêm các vi phạm, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật, thực thi pháp luật của người dân.

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây