Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có ông Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ông Bùi Tuấn Hải - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh và các lãnh đạo các sở, ngành liên quan, lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Quan cảnh cuộc họp
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), các địa phương đã bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn để tổ chức cho học sinh đến trường theo hướng dẫn của Bộ về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục. 100% tỉnh, thành phố, Sở GDĐT đã xây dựng và thực hiện tiêu chí đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trực tiếp; xây dựng kịch bản dạy học linh hoạt, an toàn cho trẻ em, học sinh tùy theo tình huống dịch bệnh; triển khai thực hiện Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học đến toàn thể cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Chuẩn bị cơ sở vật chất, vệ sinh khử khuẩn để sẵn sàng đón học sinh đến trường; 100% tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cho trẻ em mầm non, học sinh trở lại trường học trực tiếp trong tháng 02/2022.
Tính từ ngày 07/02 đến nay, đối với cấp mầm non có 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho toàn bộ trẻ học trực tiếp; đối với cấp tiểu học có 59/63 tỉnh thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp. Đối với cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông có 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp. Đối với các cơ sở giáo dục đại học có 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy trực tiếp. Tổng số học sinh học trực tiếp là 21.001.019/22.409.817 học sinh, chiếm tỉ lệ 93.71%.
Nhìn chung, việc đưa học sinh tới trường được xã hội, nhà giáo, phụ huynh, các chuyên gia... ủng hộ, đồng tình, được đánh giá là đúng lúc và kịp thời. Lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm COVID-19 tăng mạnh. Tình hình trên đã dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến vì phát hiện có ca F0 trong cán bộ, giáo viên và học sinh. Một số ít địa phương chưa quyết định mốc thời gian cụ thể cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học đến trường.
Cũng theo Bộ GDĐT, một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi thận trọng triển khai từng bước và có thí điểm thăm dò, đặc biệt là đối với cấp mầm non và tiểu học.
Một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1. Một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm COVID-19 trước khi đến trường học trực tiếp, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả gây phản ứng không cần thiết. Một số phụ huynh học sinh còn chưa yên tâm cho con trở lại trường học trực tiếp, đặc biệt đối với cấp học mầm non và tiểu học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý cần tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ theo định hướng của Bộ Y tế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm trong trường học và có phương án xử lý, liên tục cập nhật hướng dẫn điều trị… Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức, kiện toàn các phương thức dạy học trực tuyến... Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn về các vấn đề xét nghiệm trong trường học, theo dõi tình trạng sức khỏe trẻ em, thời gian cách ly đối với trẻ em, …
Phó Thủ tướng cho rằng cần các giải pháp đưa trẻ trở lại trường, trên tình thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan, phải khôi phục lại các hoạt động phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện bình thường mới theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh".
DP