Tây Ninh: Phấn đấu đến năm 2020 đạt 4 triệu lượt khách tham quan

Thứ ba - 13/11/2012 00:00 92 0
UBND tỉnh vừa có Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 04-NQ ngày 4.10.2012 của Tỉnh uỷ về đẩy mạnh khai thác tiềm năng, phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012 – 2015 và tầm nhìn đến 2020. Theo đó, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt 4 triệu lượt khách tham quan.

 Việc đề ra kế hoạch là nhằm phát triển du lịch Tây Ninh trở thành một ngành kinh tế quan trọng, làm động lực thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, phấn đấu để Tây Ninh trở thành địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia vào năm 2020. Khai thác tài nguyên văn hoá với các giá trị di sản văn hoá đặc trưng để phát triển du lịch văn hoá lịch sử thành sản phẩm du lịch mũi nhọn, đồng thời với phát triển du lịch văn hoá tâm linh và văn hoá sinh thái cộng đồng. Xây dựng hình ảnh về du lịch Tây Ninh trong phạm vi quốc gia, thị trường du lịch các nước trong khu vực và thế giới, trước mắt là thị trường các nước Nhật Bản, Trung Quốc, các nước ASEAN…

Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2012 – 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch tăng 10%/ năm, đến năm 2015 đạt 3,2 triệu lượt khách tham quan, doanh thu du lịch tăng khoảng 20%/năm. Phấn đấu đến năm 2015 tập trung đầu tư đưa Khu di tích LS-VH&DT núi Bà Đen thành khu du lịch cấp quốc gia đạt chuẩn. Huy động các nguồn lực đầu tư vào các tiềm năng du lịch trọng điểm của tỉnh như di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, hồ Dầu Tiếng, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát… các công trình văn hoá, thể thao; tăng số lượng cơ sở lưu trú hạng trên 2 sao và các nhà hàng, tụ điểm vui chơi giải trí, các cơ sở dịch vụ cao cấp theo hướng văn minh, hiện đại, phục vụ chuyên nghiệp. Bước đầu, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các tour du lịch đến các làng nghề truyền thống, làng nghề mới theo quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 – 2015.

9 tháng đầu năm 2012, khách tham quan khu du lịch núi Bà đạt 2,08 triệu lượt người, tăng 15% so với cùng kỳ.

 

Trong giai đoạn 2015 – 2020, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch tăng trên 10%/năm, đến năm 2020 đạt 4 triệu lượt khách tham quan, doanh thu du lịch tăng khoảng 23%/ năm. Quần thể di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, hồ Dầu Tiếng, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát là trọng điểm du lịch của tỉnh và là khu du lịch cấp quốc gia, kết hợp với núi Bà Đen và các điểm du lịch quan trọng khác như Toà thánh Cao Đài Tây Ninh… cùng hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch phát triển đồng bộ, chuyên nghiệp và chất lượng, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch mang tầm cỡ quốc gia và khu vực.

Để thực hiện kế hoạch này, theo UBND tỉnh, cần phải quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, mà trước mắt là hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và kêu gọi đầu tư để phát triển những khu du lịch tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như quần thể di tích Trung ương Cục, núi Bà Đen, Ma Thiên Lãnh, hồ Dầu Tiếng, Toà thánh, du lịch sinh thái dọc sông Vàm Cỏ Đông, Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, một số làng nghề truyền thống làm vệ tinh của các khu du lịch…

Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước tại các vùng có tiềm năng phát triển du lịch để thu hút các nhà đầu tư có năng lực tham gia vào các dự án lớn, ưu tiên các dự án du lịch cao cấp, nhất là khu di tích núi Bà Đen, Trung ương Cục miền Nam, hồ Dầu Tiếng và thực hiện quy hoạch phát triển các ngành liên quan, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch. Phát triển hệ thống dịch vụ công cộng tiện nghi, hiện đại, đảm bảo hệ thống viễn thông, thông tin liên lạc, truyền thông, cấp thoát nước, môi trường… đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế tới các khu, điểm du lịch trọng điểm và tại trung tâm tỉnh để phục vụ các sự kiện lớn mang tầm khu vực, quốc gia. Trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá và đầu tư xây dựng, phát triển thêm các khu du lịch mới; nâng cấp và xây dựng mới các công trình văn hoá – thể thao của tỉnh; chú trọng đầu tư các công trình trực tiếp phục vụ du lịch như bến xe, bến tàu du lịch, bãi đỗ xe…

Tập trung đầu tư phát triển loại hình du lịch đặc trưng, lựa chọn loại hình du lịch có thế mạnh, có tính cạnh tranh cao của tỉnh để ưu tiên tập trung đầu tư, quảng bá và đẩy mạnh xã hội hoá nhằm xây dựng thành thương hiệu của du lịch Tây Ninh với các loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng: du lịch tâm linh, tín ngưỡng, du lịch về nguồn… Đầu tư nâng cấp các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch theo hướng tăng quy mô, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các dịch vụ phục vụ khách du lịch, ưu tiên các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, các khách sạn 3-4 sao, các dịch vụ vui chơi giải trí truyền thống, làng nghề du lịch trình diễn, nhà hàng du lịch tại các khu du lịch trọng điểm. Tăng cường chất lượng dịch vụ phụ trợ phục vụ du lịch; tổ chức thi và hỗ trợ thiết kế, sản xuất hàng lưu niệm, đặc sản đặc trưng của từng địa phương để lựa chọn, hỗ trợ đầu tư sản xuất làm sản phẩm phục vụ khách du lịch; áp dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn du lịch cho các dịch vụ như siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở nghề, nhà hàng…

Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống cung cấp thông tin du lịch Tây Ninh phục vụ công tác xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; Xây dựng kế hoạch tổ chức định kỳ các sự kiện du lịch: Hội xuân núi Bà Đen, liên hoan văn hoá ẩm thực, festival trò chơi dân gian kết hợp lễ hội đường phố… Tập trung đầu tư cho công tác thông tin quảng bá điểm đến trên internet bằng nhiều thứ tiếng thông qua việc nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh và tổ chức các trang thông tin thương mại, du lịch đồng thời liên kết với các trang web có uy tín khác…

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây